Điều ít người biết sau bức chân dung Trần Lập

(PLO) - Trần Lập luôn kiên nghị để vượt qua số phận nghiệt ngã. Tiếc thay, vài ngày sau khi ngắm bức chân dung mình in trong sách và mỉm cười mãn nguyện, đôi mắt Trần Lập đã lặng lẽ nhắm lại. 
Điều ít người biết sau bức chân dung Trần Lập

Đam mê 

“Những nét vẽ thanh mảnh trên những tờ giấy nhẹ tênh, nhưng nó trĩu nặng những tình người và kỉ niệm…, vẽ chân dung đem lại cho tôi nhiều niềm vui, bao kỉ niệm nhưng không tránh khỏi những nỗi buồn nhân thế” - Họa sĩ Trần Tuy đã trăn trở rất nhiều mỗi khi đặt bút khắc họa ai đó trên đường dài nghệ thuật của đời mình.

Sinh năm 1942, ông Trần Tuy – nguyên là Tổng Biên tập Tạp chí Mĩ thuật, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam…không chỉ được nhớ đến là người nổi tiếng với những hình khối giúp gắn kết hiện tại với quá khứ mà còn được nhiều người mến phục ở kỳ tài khắc họa chân dung, với sự tinh ý nhận ra rất nhanh các điểm nổi bật trên gương mặt người đối diện. Những người ông vẽ dường như đều hiện rõ mồn một tâm can, rõ cả gợn nhỏ nội tâm trên khổ giấy mỏng manh. 

Với Trần Lập, ông vẽ anh không chỉ bởi mến tài chàng trai trẻ qua những giai điệu lạc quan, sôi nổi của "We’re Bức Tường", "We're The Wall", "Bình minh sinh viên 2000", "Đường tới ngày vinh quang”… đã đốt cháy hàng triệu trái tim cuồng nhiệt đam mê thể loại Haa rook, mà còn bởi, Lập cũng đôi khi… hý hoáy vẽ. Không những thế con trai ông cũng là một trong những thành viên Ban nhạc hồi mới thành lập, anh Trần Nhất Hoàng chơi ghita bass. 

Lúc đó, ban nhạc thường lấy chính căn nhà họa sĩ Trần Tuy đang ở làm nơi tập luyện. 

Ở lại bên người

Năm 2005, sau khi thực hiện thành công tập kí họa “Eva - 2014”  với việc tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ của người phụ nữ, ở tuổi 72, Trần Tuy tiếp tục lựa chọn trong số gần 1000 bức chân dung mình đã vẽ, thực hiện tiếp cuốn “72 ký họa chân dung chọn lọc”, với những guơng mặt nổi tiếng trong các lĩnh vực: sân khấu, điện ảnh, hội họa, âm nhạc…

Trong số đó, có Trần Lập và những tên tuổi lớn như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái; nghệ sĩ sân khấu Đào Mộng Long, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà thơ Cù Huy Cận, nhà sử học Trần Quốc Vượng, thư pháp gia Lê Xuân Hòa, nhạc sĩ ghi ta Tạ Tấn…

Ông vẽ Trần Lập và giữ được bức hình cho đến tận hôm nay cũng là cái duyên. Bởi trước đó, khi tham gia cuộc phát động vẽ chân dung những người nổi tiếng tại Việt Nam do một tổ chức của Pháp phát động, ban tổ chức không nhận bức chân dung Trần Lập vì chưa đúng với yêu cầu. 

Căn phòng ông vẽ Trần Lập là một không gian khoảng 16m2 trên tầng 2, trong căn nhà khép mình bên con ngõ nhỏ phố Hào Nam. Hôm đó, vào ngày cuối tháng, ông bảo con trai nhắn Trần Lập đến. Buổi chiều, Trần Lập ngồi trên một chiếc ghế nhỏ sát phía cửa gần ban công, nơi đón những ánh sáng mặt trời tốt nhất. 

Trong thoang thoảng mùi sen Hà Nội tháng 7, tỏa ra từ chiếc lọ men xanh khéo léo bài trí sát góc phòng giữa những bộn bề tranh, sách, tượng..., ông thư thái vẽ khoảng nửa giờ là hoàn thành hai bức họa Trần Lập: một bức bán thân, một bức chân dung. Trần Lập tỏ ra thích thú lắm. 

Những người được ông chọn vẽ thường bình luận bên lề tranh, đó có thể là tâm sự về nhân tình thế thái, nhưng có khi chỉ đơn giản là sự biểu lộ sự phấn khích… Phía phải bức chân dung mình, nghệ sỹ sâu khấu Đào Mộng Long than thở “ Yêu nghệ thuật trăm năm quá ngắn, làm kiếp người một thời, dài ghê”. Còn bên cạnh bức vẽ của mình, Trần Lập ghi “Thật hạnh phúc khi được làm một nhân vật trong sáng tác của Nghệ sĩ Trần Tuy. Cảm ơn chú thật nhiều”. 

Nét chữ Trần Lập thanh, mảnh và đẹp như đối lập, tương khắc với vẻ gai góc, bụi bặm của gương mặt trong hình. Chữ là tâm, chữ viết ra không chỉ thể hiện tâm trạng, cảm nghĩ nhất thời mà còn biểu lộ cả tính cách của mỗi người. Trần Lập viết để như “vẽ” rõ thêm những góc nhẹ nhàng, tình cảm bên cạnh những ô đong đầy sự mạnh mẽ, kiên nghị trong tâm hồn mình.

Điều ấy đúng như thứ âm nhạc được anh tạo ra thông qua những ca từ bứt phá, dù ngút ngàn lửa nhưng vẫn làm người nghe cảm nhận được làn gió mát. Để dù họ có đắm say trong phấn khích, thì vẫn đủ lý trí suy nghĩ về nội dung những sâu sắc của ca từ.  

Trần Tuy tâm sự, gương mặt Trần Lập là một mẫu hấp dẫn mà nhiều họa sĩ thích và muốn vẽ, bởi nó góc cạnh. Thời đó, Lập để tóc dài và thường quấn quanh đầu một dải băng. Nhìn vào bức tranh vẽ bằng chì đen trên nền giấy trắng khổ 37x52cm, người ta thấy một Trần Lập phảng phất bóng dáng digan; có chất gang ngược của nắng, gió núi rừng đại ngàn, nhưng lại cũng rất phiêu lãng, bay bổng như mây trời. 

Nay đã ngủ yên…

Họa sĩ Trần Tuy đã tựa đề cuốn 72 ký họa chân dung: “Gặp biết bao người. Bao nhiêu số phận. Bao nhiêu điều muốn nói từ những ký họa. Nó cho tôi, đời dài ra bởi có nhiều sự kiện; thêm nặng ra bởi bao tình chồng chất. Dĩ vãng đong đầy những cảm xúc vui, hoan lạc, mất mát…”. 

Với tâm hồn nhậy cảm của người nghệ sĩ, Trần Tuy luôn tinh tế cảm nhận về sự mất mát. Những người ông từng gặp, vẽ có người còn “ở” và có người đã “đi”. Nhưng có lẽ ông chưa bao giờ tưởng tượng, chàng trai rắn rỏi Trần Lập sẽ bất ngờ dừng bước phiêu lãng, khi đi chưa đủ hơn nửa đời người. Tin anh phải chống chọi lại những cơn đau quái ác từ căn bệnh ung thư, làm ông rất buồn.

Sách in xong, ông giao cho Nhất Hoàng cầm ngay đến bên Trần Lập. Trên giường bệnh, Lập vui và nắm chặt tay người đồng nghiệp của mình nhắn nhủ: “Nhìn thì ai cũng tưởng hầm hố lắm, nhưng mình đâu có như vậy, cho mình gửi lời cảm ơn bố Tuy nhé….”.

Trần Lập luôn kiên nghị để vượt qua số phận nghiệt ngã. Tiếc thay, vài ngày sau khi ngắm bức chân dung mình in trong sách và mỉm cười mãn nguyện, đôi mắt Trần Lập đã lặng lẽ nhắm lại. Giờ đây, ở một nơi rất xa và cũng rất gần cõi nhân gian, Trần Lập hẳn hạnh phúc, viên mãn vì hình ảnh mình không chỉ vương vấn nơi trái tim của nhiều người yêu nhạc, mà còn ở lại trong một bức hình rất đẹp. 

Qua bảy mươi tư tuổi đời, từng sáu lần thoát khỏi cửa tử trong đó có may mắn lớn khi trải qua được đợt tai biến nguy kịch, họa sĩ Trần Tuy hiện vẫn bền bỉ sáng tác bằng tay trái và dành nhiều thời gian nghiên cứu, chiêm nghiệm để hiểu về triết lý nhân sinh nhà Phật. Ông hiểu để lý giải không oán trách những tai ương mình gặp phải và cũng chẳng kiêu ngạo, tự mãn với những thành công đạt được. Ông hiểu để rũ bỏ mọi sân si thường tục, để thân tâm nhẹ nhàng theo làn hương trầm thoảng mặc.