|
Người cận vệ của Bác Hồ nhớ lại những kỷ niệm, lời căn dặn của Bác |
Năm 1950 thanh niên Hồ Viết Chuyên nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Sư đoàn 312 (đóng tại chiến khu Việt Bắc. Sau đó, dịp Tết năm 1952, ông Chuyên nhận được tin báo sẽ gặp một số lãnh đạo Trung ương, thật bất ngờ và sung sướng khi người được gặp là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau cuộc gặp đó ông mới biết mình được phân công một nhiệm vụ hết sức quan trọng là tham gia bảo vệ Bác. Tôi thật vinh dự khi được chọn để thực hiện nhiệm vụ cao cả đó. Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà Quân đội và Đảng đã giao phó”, ông Chuyên kể.
Ông Chuyên nhớ lại, đón năm mới 1952, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời toàn thể anh em đồng hương Khu 4 họp mặt, ngồi ăn kẹo lúc đó Bác Hồ bảo anh em “Đồng hương Nghệ An cũng phải họp chứ nhỉ?”. Mọi người im lặng nhìn nhau, không ai dám nói câu nào… Bác bảo: “Bây giờ, các chú đừng xem Bác là Chủ tịch nước mà xem bác như người anh em cùng quê thôi. Nào các chú lại đây…”.
“Thế rồi, mọi người ùa đến, ngồi quanh Bác. Bác nói chuyện với mọi người như người anh em hỏi chuyện gia đình, chuyện vợ con. Đến lượt tui, tui trả lời: “Thưa Bác, cháu chưa có người yêu ạ”. Bác cười: “Cách mạng chắc chắn sẽ thành công, lúc đó Đảng, Quân đội và Chính phủ sẽ cho các chú nghỉ phép để đi hỏi vợ, các chú có đồng ý không?”. Nghe Bác nói xong mọi người đứng dậy vỗ tay...”, ông Chuyên kể.
Những lời răn dạy đi theo suốt cuộc đời
Cả nước chuẩn bị cho chiến lược Đông Xuân 1953 -1954, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cùng với các chiến sỹ cũng kham khổ và ra sức tiết kiệm tăng gia sản xuất. Nhắc lại những ngày tháng này, ông Chuyên xúc động kể lại, lương thực thiếu thốn, trong rừng rau xanh không có, anh em vào rừng đào củ mài, đào măng ăn thay cơm.
“Có một bận tui và anh em đi đào nhiều măng mang về ăn không hết, Bác biết chuyện, Bác nói: “Từ cây măng này sẽ mọc thành cây tre. Tre vót chông đánh giặc, tre đan phên làm nhà, làm giấy viết, làm bao nhiêu thứ khác. Măng ăn bao nhiêu đào bấy nhiêu kẻo phí và hư hết. Đi với Bác những lần mắc lỗi Bác không trách hay phạt ai mà chỉ phân tích để mọi người hiểu cái sai mà sửa. Những lời dạy của Bác thấm vào từng con người mà không cần trách mắng nặng lời…” - ông Chuyên nhớ lại.
Để bổ sung lương thực, thực phẩm, giúp đỡ nhân dân chung tay chuẩn bị cho kháng chiến, Bác Hồ phát động anh em chiến sỹ phong trào tăng gia sản xuất. Rảnh rỗi Bác cũng vác cuốc đi cuốc đất, trồng rau với anh em, xong việc Bác xuống suối tắm chung với anh em chiến sỹ, quần áo của Bác tự giặt rồi phơi trên cây gậy, đi bộ về lán như bao nhiêu chiến sỹ khác. Sau này, ngoài nhiệm vụ bảo vệ Bác, đội cận vệ còn có nhiệm vụ xay gạo phục vụ đơn vị và chiến trường.
Bác nói: “Kháng chiến còn dài, cần nhiều gạo để cung cấp cho chiến trường để bộ đội ăn no, đánh thắng. Đồng bào chưa xay đủ lúa để phục vụ chiến dịch thì bộ đội cũng phải góp sức vào. Cuộc kháng chiến của toàn quân, toàn dân chứ không phải của riêng ai cả”. Lời nhắc của Bác khiến anh em chiến sỹ cảm thấy sung sức và có trách nhiệm, làm việc hiệu quả và quên đi mệt mỏi…”, ông Chuyên xúc động.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Trung ương Đảng chuyển từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, trong khu vực nhà sàn tại Phủ Chủ tịch, Năm 1960, khi miền Bắc giành độc lập, các cán bộ, trong đó có cận vệ được sang học chữ tại Trường Chu Văn An vào mỗi buổi chiều hoặc tối. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, và cũng có tuổi nên việc tiếp thu kiến thức không bằng các anh em khác, ông Chuyên xin Bác được trở về quê nhà. Bác đã tâm sự và khuyên dặn nên ở lại học tập để sau này tiếp tục phục vụ đất nước.
“Hồi đó chưa nghĩ xa được như Bác nên xin về nhà, Bác bảo: “Chú đã xin về, Bác đồng ý nhưng khi đã về địa phương, mong chú tiếp tục học tập”. Nếu như ngày đó tui nghe lời Bác, tiếp tục ở lại để học tập, phấn đấu… Đây là điều luyến tiếc nhất suốt cả cuộc đời…”, ông Chuyên ngậm ngùi.
Còn rất nhiều, rất nhiều những lời can dặn của Bác mà ông Chuyên và những cận vệ khác khắc ghi mãi đến tận bây giờ mà mãi về sau. Ông Chuyên dùng những bài học đó để căn dặn con cháu sau này thành người có ích cho xã hội, cho đất nước.