Giám đốc ngân hàng mê… lá thốt nốt
Tại buổi trao tặng bức tranh Bác Tôn làm bằng lá thốt nốt cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã làm cả khán phòng xuýt xoa vì bức chân dung quá lớn, rất độc đáo và tinh tế. Nhìn vào bức tranh, ít ai nghĩ rằng nó lại được làm từ tổng thể của hàng trăm mảnh lá thốt nốt non ghép lại và được đôi tay tài hoa của nghệ nhân thể hiện bằng nét vẽ bút lửa một cách tinh tế, hài hòa, cân đối. Nghệ nhân ấy còn nắm bắt được thần thái của Bác Tôn để đưa vào tranh một cách sống động. Bức chân dung Bác Tôn có chiều cao 1m76, bề ngang rộng 1,2m, chất liệu tranh làm hoàn toàn bằng lá thốt nốt. Bức tranh này nghệ nhân đã cùng ba người thợ giỏi của mình miệt mài suốt 15 ngày đêm mới hoàn thành.
Cái duyên đến với vẽ tranh bằng lá thốt nốt đến với ông thật tình cờ. Ngày ấy, đang là Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, ông phải xuống vùng quê khảo sát thẩm định cho vay vốn đối với tổ người Khmer làm quạt bằng lá thốt nốt. Khi nhìn thấy chất liệu loại lá này trắng, đẹp, ông mua về một ít với ý định thử dùng làm chất liệu cho tranh của mình. Nhưng do công việc ở ngân hàng cứ cuốn lấy ông nên nắm lá thốt nốt vẫn chưa được dùng đến.
Mấy năm sau, trong lúc dọn căn gác cũ, ông thấy bó lá thốt nốt mình mua năm xưa vẫn nguyên vẹn. Màu lá không đổi, độ bền dai vẫn giữ nguyên, không giống như lá cây thiên tuế để lâu dễ giòn gãy mà ông từng thử dùng làm chất liệu cho tranh.
Tìm hiểu ông mới biết loại lá thốt nốt này năm xưa người Khmer từng dùng để chép kinh Phật và lưu giữ những quyển kinh này được hàng trăm năm. Ông Tạng chợt nghĩ, nếu dùng loại lá này làm chất liệu, những bức tranh của ông sẽ có độ bền tương tự. Hình ảnh về Bác Hồ, Bác Tôn, làng mạc, nông thôn, lũy tre làng, đồng quê Việt Nam trong tranh của ông cũng được lưu giữ lâu hơn.
Trước đó, ông Tạng từng thử nghiệm các loại hình tranh truyền thống, nhưng vẫn nghĩ rằng khó mà cạnh tranh lại với các họa sĩ chuyên nghiệp, phải tìm sự khác biệt, lạ, độc đáo, không lặp lại. Và sự khác biệt mà sau những năm tháng ấp ủ, ông đã tìm thấy được đó chính là chất liệu tranh bằng lá thốt nốt chưa từng có ai làm.
Tác phẩm tranh thốt nốt của ông Võ Văn Tạng, làm về Bác Tôn. |
Gam màu bức tranh làm từ lá thốt nốt có màu trắng ngà. Có người ví màu của nó giống như màu “nhạt nắng chiều”. Để có màu bức tranh trắng sáng và đẹp, nghệ nhân cũng tốn không ít tâm sức. Chất liệu dùng làm tranh phải là loại lá non hoặc búp lá của cây thốt nốt có tuổi thọ cao, phơi khô rồi phân loại theo từng màu: trắng, trắng ngà, vàng, vàng đậm… và để ở nơi khô ráo. Khi làm tranh, tách từng bẹ lá thốt nốt nhỏ ra thành từng sợi mảnh rồi xếp lại một cách tỉ mỉ, khéo léo kết dính lại trên một lớp giấy sao cho không thấy đường ghép, sau đó dùng bút lửa vẽ chân dung hoặc khung cảnh trên nền lá thốt nốt. Màu chủ đạo cho loại hình tranh này có màu vàng, nâu, và đen.
Bản di chúc của Bác Hồ bằng lá thốt nốt
Hiện nay, tranh thốt nốt của ông Võ Văn Tạng làm đa dạng, khoảng 200 kiểu mẫu khác nhau, số lượng đã lên tới 20.000 tác phẩm, một nửa trong số này là tranh làm về Bác Hồ, Bác Tôn. Tuy nhiên, bản Di chúc của Bác Hồ lại là tác phẩm giúp tên tuổi ông Võ Văn Tạng được ghi vào sách Kỷ lục Guinness Việt Nam với bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”, ông còn ghi thêm một kỷ lục nữa là: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” vào năm 2010.
Bản Di chúc làm bằng lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng có chiều cao hơn 2m, bề ngang 1m22 dán bằng thủ công cỡ chữ lớn, ảnh lớn với hai mặt vẽ chân dung Bác Hồ, bốn ảnh nhỏ quê Bác. Mặt còn lại là toàn văn bản Di chúc gồm có 56 dòng với trên 1.000 chữ do ông Tạng cùng nhóm thợ giỏi của mình miệt mài làm trong suốt một tháng trời. Bản di chúc được lồng trong khung gỗ kích thước 2,55 x 3,55m, có chạm trổ tinh xảo với những họa tiết như hình đài sen, rồng, kỳ lân và được trưng bày trong ngôi nhà gỗ, lợp ngói trang trọng tại Khu du lịch Thoại Sơn.
Nghệ nhân Võ Văn Tạng |
Theo ông Tạng, đây là bức tranh khó làm nhất từ trước đến nay, khi làm phải tính toán, chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với kích cỡ, dễ nhìn, dễ đọc. Nhưng với tình cảm sâu sắc của ông và bảy người thợ của mình dành cho Bác Hồ, từng nét chữ, nét vẽ, hình ảnh, chi tiết đều cố gắng chăm chút cho bức tranh sống động.
Thật ra, về Bác Hồ có rất nhiều tài liệu và khía cạnh để khai thác làm tranh, nhưng sở dĩ ông đầu tư nhiều công sức cho bức tranh bản Di chúc Bác Hồ là vì ông nghĩ ít ai có cơ hội đọc hết những nội dung trong bản Di chúc của Bác, chỉ khi tham quan ngắm tranh, người ta mới lắng lòng vừa chiêm ngưỡng bức tranh và đọc kỹ những dòng nhắn nhủ của Bác.
Làm tranh về Bác, học tập theo Bác, ông mở cơ sở làm tranh vừa thỏa mãn niềm đam mê tranh, vừa giải quyết công ăn việc làm cho một số người, thậm chí ông nhận luôn các em khuyết tật. Điều đáng nói là các em mới vào làm cơ sở của ông không phải đóng học phí, mỗi tháng còn được ông hỗ trợ cho mỗi em 1,5 triệu đồng để trang trải ăn uống, sinh hoạt. Sau 3 tháng, em nào có năng khiếu làm được, ông sẽ trả theo bậc lương của thợ.
Tranh bằng lá thốt nốt của ông tiêu thụ rất tốt, một bức tranh giá thấp nhất khoảng 50.000 đồng và cao nhất khoảng 5 triệu đồng, nhưng thợ chỉ kịp làm theo đơn đặt hàng. Trong tương lai, ông Tạng đang có ý định mở rộng thêm cơ sở làm tranh bằng lá thốt nốt. Tranh của ông được UBND tỉnh, huyện thường đặt làm quà tặng cho khách khi có dịp ghé thăm An Giang, hoặc khi giao lưu với tỉnh này, tỉnh khác thì tranh thốt nốt cũng được chọn là món quà “đặc sản” của An Giang gửi tặng bạn bè./.