Gặp nữ văn công từng biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ và Đại Tướng xem

(PLO) - Nhớ lại những năm tháng công tác trong Đoàn văn công Sư đoàn 308 quân Tiên phong, bà Ngô Thị Ngọc Diệp (SN 1936, chung cư Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà Nội) vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động. Bà bảo cuộc đời văn công của bà có hai niềm vinh dự lớn: được biểu diễn cho Bác Hồ và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp xem.
Bà Ngô Thị Ngọc Diệp.
Bà Ngô Thị Ngọc Diệp.

Vinh dự được biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem

Năm nay bà Diệp đã bước sang tuổi 80 nhưng bà vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát. Từ khi nghỉ hưu bà luôn tích cực tham gia các công tác đoàn thể tại địa phương mình cư trú. Ngoài ra, bà còn tham gia các câu lạc bộ văn nghệ của người cao tuổi vì “nhớ nghề”, nhớ những năm tháng làm văn công thời chiến tranh ác liệt.

Bà Ngô Thị Ngọc Diệp là con thứ 5 trong gia đình có 6 người con, cha là viên chức, mẹ ở nhà nuôi dạy con cái. Ngay từ nhỏ, bà Diệp cũng như các anh chị em khác đã “thấm” tình yêu văn nghệ từ người mẹ của mình. “Mẹ tôi thích văn nghệ, yêu văn nghệ lắm. Mỗi khi rảnh rỗi, mấy mẹ con lại ngồi hát cho nhau nghe những bài dân ca…” – bà Diệp tâm sự.

Thế nên, khi đang tản cư ở Hạ Hòa (Phú Thọ), nghe tin có bộ đội về làng, chị em bà Diệp tự tổ chức một đội văn nghệ vừa múa, vừa hát bài Đàn chim Việt và bài Thiếu nữ Việt Nam cho các chú bộ đội nghe. Nghe xong ai cũng vỗ tay tán thưởng. Sau buổi biểu diễn ấy mẹ con bà Diệp cùng dân làng nấu cơm, giặt quần áo cho bội đội ăn, tối thì cùng nhau biểu diễn văn nghệ cho mọi người cùng xem.

Để rồi năm 1951 ông Ngô Trung Sơn (anh trai bà Diệp, đang công tác tại Sư đoàn 308 quân Tiên Phong) có dịp ghé qua nhà, nghe chuyện liền xin phép mẹ cho cô em gái đang tuổi ăn, tuổi lớn của mình vào đoàn văn công của đơn vị. Nghe xong, mẹ bà Diệp đồng ý luôn. Trước khi đi, mẹ bà Diệp căn dặn: “Phải cố gắng đem lời ca, điệu múa của mình giúp các chiến sỹ ngoài mặt trận giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng, khích lệ mọi người vượt lên hoàn cảnh…”.

Cảm sự gian lao, vất vả của người lính cũng như ghi nhớ lời dặn của mẹ, bà Diệp luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn tham gia đoàn văn công, bà Diệp được bình bầu là chiến sỹ gương mẫu của đoàn. Để rồi ngay sau đó (cuối năm 1952, đầu 1953) bà Ngô Thị Ngọc Diệp vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem.

Theo lời kể của bà Diệp, lúc đó bà và ông Nguyễn Văn Lượng (cùng đơn vị) được thủ trưởng gọi lên bảo: “Hai đồng chí được vinh dự lên gặp cấp trên cùng những chiến sỹ gương mẫu của các đơn vị khác”. Theo chân người dẫn đường, bà Diệp và ông Lượng được đưa lên một quả đồi bí mật thuộc Phú Thọ. Vừa nhìn thấy Bác Hồ - vị Cha già của dân tộc – mà bà Diệp kính yêu bấy lâu nay, lòng bà dâng lên niềm xúc động, vui mừng khôn tả…
Ảnh bà Diệp cùng chồng và hai con thời xưa.
Ảnh bà Diệp cùng chồng và hai con thời xưa.
“Nói chuyện xong, Bác Hồ bảo mọi người múa, hát cho Bác nghe. Sau khi chị Lan (cấp dưỡng của đội điều trị) hát cho Bác Hồ cùng mọi người nghe xong, tôi và anh Lượng lên múa bài Khoe giầy. Khi điệu múa dứt, Bác Hồ còn hóm hỉnh: “Các cháu múa khoe giầy mà Bác chẳng thấy có đôi giầy nào cả. Các cháu yên tâm, sau cải cách ruộng đất, các cháu sẽ có giầy đi” – bà Diệp vui mừng kể lại.

Tiếp lời, bà Diệp bảo: “Hôm ấy tôi vui lắm. Được gặp Bác Hồ đã là một vinh dự, lại được múa cho Bác xem. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh vị Cha già bình dị, gần gũi mà thân thương: đầu đội mũ len, cổ quàng chiếc khăn len màu ghi, áo choàng màu nâu, chân đi đôi dép cao su…”.

Được biết sau khi miền Bắc được giải phóng, bà Diệp chuyển công tác sang đoàn văn công của Tổng cục Chính trị. Cũng chính tại đơn vị mới này, bà Diệp có nhiều cơ hội được gặp Bác Hồ. Bởi mỗi khi có đoàn văn công của nước ngoài tới Việt Nam, Bác Hồ lại cho gọi đoàn văn công của Tổng cục Chính trị (trong đó có bà Diệp) vào tiếp khách cùng Bác. “Nhìn Bác Hồ trò chuyện với người Nga, người Trung Quốc bằng chính tiếng của họ, tôi ngưỡng mộ Bác vô cùng” – bà Diệp nói.

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, biểu diễn cho Đại Tướng xem

Tháng 12/1953, đoàn văn công của Sư đoàn 308 quân Tiên phong được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Trần Đình (chiến dịch Điện Biên Phủ). Nhận lệnh xong, các cô gái, chàng trai văn công của Sư đoàn chia thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng 20 người hành quân cùng một sư đoàn bộ đội từ Thái Nguyên lên chiến khu với nhiệm vụ động viên bộ đội, múa, hát cho bộ đội nghe.

Trên đường đi, họ vừa cố gắng theo chân các anh bộ đội vừa kể chuyện cho họ nghe để quên đi những mệt mỏi. Sau một tháng hành quân, đoàn của bà Diệp cũng đến được Điện Biên. Đến nơi, nhóm văn công của bà Diệp tách khỏi bộ đội, trở về Đoàn văn công của mình để tập luyện, đi biểu diễn cho các đơn vị bộ đội khắp Điện Biên xem.
Vợ chồng bà Diệp
Vợ chồng bà Diệp 

Càng gần ngày chiến thắng, giặc càng bắn phá Điện Biên ác liệt. Thế nên để chuẩn bị cho chiến dịch, văn công các Sư đoàn được lệnh ra làm đường. “Khi đang làm đường, đoàn văn công của tôi được điều vào Mường Phăng (nơi có khu rừng Đại Tướng ngày nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) biểu diễn cho Đại Tướng Võ Nguyên Giáp xem cùng những đơn vị văn công khác xem. Trong quá trình biểu diễn, lúc văn công chúng tôi đi thành vòng tròn, cùng nhảy bài Xòe hoa, Đại Tướng cũng xuống, nhập vào đoàn cùng nhảy. Sau đó đoàn tôi múa, hát bài Qua miền Tây Bắc cho Đại Tướng nghe…” – bà Diệp xúc động nhớ lại.

Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Diệp được Sư đoàn giao nhiệm vụ khâu lá cờ với dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” dài khoảng 1m2, rộng gần 1m. Lên phòng chính trị nhận vải, bà Diệp chỉ nhận được mảnh vải màu đỏ, không có vải để làm ngôi sao vàng 5 cánh và dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”. Để hoàn thành nhiệm vụ, bà Diệp nghĩ cách nghiền nhỏ những viên thuốc dùng điều trị sốt rét mang theo mình, hòa với nước nhuộm vàng những tấm gạc trắng (dùng để băng bó vết thương), phơi khô, sau đó cắt thành từng cánh của ngôi sao vàng 5 cánh.

“Sau khoảng 4 hôm thì tôi hoàn thành lá cờ. Lá cờ này sau đó được trao cho tổ Tiêm đao (tổ Cảm tử quân), vào đồn địch để cắm. Tôi không được trực tiếp trao cho người chiến sỹ cảm tử quân ấy nhưng sau này nghe anh Hiển (cùng đoàn tôi) kể lại rằng, khi nhận lá cờ, người chiến sỹ ấy rất hồ hởi, vui mừng đồng thời còn nhờ anh Hiển chép giúp mình một bài hát vào cuốn sổ tay mình luôn mang theo bên cạnh để hát khi đi chiến dịch về…” – bà Diệp kể.

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thế nhưng những ký ức huy hoàng thủa nào vẫn in đậm trong tâm trí người nữ văn công. “Đó là những năm tháng không bao giờ quên, trong cuộc đời tôi” – bà Diệp tâm sự./.

Đọc thêm