Sau khi vụ tại nạn lật ca nô xảy ra vào tối 02/8/2013 tại vùng biển Cần Giờ (TP.HCM) làm 09 người thiệt mạng, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Điều 214 Bộ luật Hình sự. Do người điều khiển phương tiện cũng bị tử nạn nên lẽ ra CQĐT phải ra quyết định đình chỉ khởi tố bị can và đình chỉ điều tra vụ án nhưng cơ quan này lại khởi tố, bắt tạm giam 09 tháng đối với hai bị can là Vũ Văn Đảo (đại diện đơn vị sản xuất phương tiện) và Đinh Văn Quyết - người bị coi là “liên quan”.
Ngày 27/4/2015, TAND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 227 trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung theo các điều 39, 176 và 179 của Bộ luât Tố tụng Hình sự. Toàn văn nội dung thể hiện: “Hồ sơ vụ án hình sự đối với các bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Khoản 3 Điều 214 Bộ luât Hình sự cho VKSND TP.HCM để điều tra bổ sung những vấn đề sau đây:
1/ Cần phải có kết luận giám định tàu ký hiệu BP 12-04-02 do ông Phạm Duy Phúc điều khiển không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng. 2/ Nội dung cáo trạng nêu: -Tại Công văn 2273 ngày 02/10/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải xác định: “Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP12-04-02; ngoài ra còn các nguyên nhân khác như: Phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp”.
Quyết định trả hồ sơ của TAND TP HCM. |
Tại Báo cáo điều tra số 3849 ngày 30/10/2013 của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải kết luận nguyên nhân gây ra vụ tai nạn: “Sử dụng ca nô sai mục đích; ca nô chở số người gấp 2,5 lần cho phép; ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế; người điều khiển ca nô không có chứng chỉ lái phương tiện thủy loại ll tốc độ cao; ca nô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu (phía Vũng Tàu) và vào nơi cầu, bến không được công bố cho việc đón, trả khách (phía Tiền Giang); ca nô không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định”.
Như vậy, đối với các nguyên nhân được cáo trạng viện dẫn nêu trên không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do “đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” như cáo trạng truy tố…”
Động thái “trả hồ sơ” của TAND TP.HCM đã hé mở tính pháp lý của vụ án theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi vì vụ án đã bị “ngâm” quá lâu, có cần phải trả hồ sơ hay không khi mọi việc đã rõ ràng? Tại sao Tòa không đưa vụ án ra xét xử theo hướng tuyên các bị can vô tội, đình chỉ vụ án, khôi phục quyền lợi cho Cty Việt Séc và cho ông Đảo, ông Quyết?
Tới đây, CQĐT sẽ điều tra bổ sung những vấn đề gì, trong khi hàng loạt phương tiện do Cty Việt Séc sản xuất ra đã được phía Hải quân đăng kiểm, hàng chục đơn khác nhau mua và sử dụng, tất cả các phương tiện đó đều không gặp bất cứ “sự không bảo đảm an toàn” nào, duy nhất chỉ có chiếc ca nô bị lật gây chết người nêu trên là do lỗi chủ quan của con người gây ra?./