Tai nạn đường thủy, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm ở đâu?

Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, một nguyên nhân khác dễ gây tai nạn giao thông đường thủy (GTĐT) đó chính là sự mất an toàn của phương tiện, trong đó bắt đầu từ chính khâu đăng ký, đăng kiểm. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đăng ký, đăng kiểm cũng như bảo đảm sự an toàn cho người tham gia GTĐT.

Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, một nguyên nhân khác dễ gây tai nạn giao thông đường thủy (GTĐT) đó chính là sự mất an toàn của phương tiện, trong đó bắt đầu từ chính khâu đăng ký, đăng kiểm. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đăng ký, đăng kiểm cũng như bảo đảm sự an toàn cho người tham gia GTĐT.

Những vụ thảm họa sông nước

Đã 5 năm trôi qua, nhưng vụ án “thảm họa trên sông Gianh” vẫn khiến người dân Quảng Trạch không khỏi đau đớn. Hôm đó là ngày 25/1/2009 (tức 30 Tết Kỷ Sửu), khi người dân xã Quảng Hải đang chộn rộn đón giao thừa thì nhận tin chuyến đò qua sông Gianh do lái đò Nguyễn Minh Mậu (SN 1978) và chủ đò Nguyễn Xuân Quý (SN 1976), anh trai của Mậu điều khiển đã bị chìm khiến 42 người thiệt mạng.

Ca nô bị chìm ở Cần Giờ
Ca nô bị chìm ở Cần Giờ

Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Quảng Bình, sáng 25/1/2009, Quý cùng em trai dùng đò gỗ có động cơ Diezel 15 mã lực, do Quý làm chủ, chở khách ngang sông, từ bến xã Quảng Hải đi xã Quảng Thanh. Quý giao cho Mậu điều khiển, còn Quý điều hành sắp xếp khách ở đầu mũi đò.

Chiếc đò đã chở 100 người, vượt quá 88 người so với quy định. Khi chạy cách bến đò xã Quảng Thanh 30m thì chìm làm 42 người  thiệt mạng, 47 người được cứu sống, 11 người bị thương được điều trị tại bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình.

Nguyễn Minh Mậu và chủ đò Nguyễn Xuân Quý  đã bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” và “Giao cho người không đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ” theo Điều 212, và 215 BLHS. Quý sau đó bị kết án 14 năm tù, còn Mậu phải chịu 15 năm tù, mức cao nhất của khung hình phạt

Một điểm đáng chú ý trong vụ án này là vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi chiếc đò đã cũ kỹ nhưng vẫn cho phép đăng kiểm, cho phép lưu thông? Thân nhân của các bị hại đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đăng kiểm, cũng như công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn trên bến đò, đặc biệt là trách nhiệm của UBND xã Quảng Hải.

Một vụ việc khác xảy ra gần đây nhất là vụ chìm ca nô mang số hiệu  BP 12-04-02 tại khu vực Cần Giờ làm 9 người chết. Theo Bộ GTVT, vụ tai nạn  do những nguyên nhân gồm: Sử dụng phương tiện sai mục đích, ca nô bị nạn là phương tiện của Bộ đội Biên phòng phục vụ mục đích tuần tra, không được dùng để chở khách. Ca nô đã chở số người gấp 2,5 lần cho phép (chở 30 người so với qui định là 12 người), chưa kể các hành lý cá nhân kèm theo. Mặt khác, ca nô hành trình ra vùng không được phép hoạt động.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ GTVT, năm 2007, toàn quốc có  806.577 phương tiện, trong đó: phương tiện thuộc diện phải đăng ký khoảng 500.000 chiếc. Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2012, số phương tiện đã đăng ký chỉ là 151.764 chiếc, đạt tỷ lệ 34%. Bộ GTVT cho biết, số phương tiện chưa thực hiện đăng ký còn nhiều, chiếm hơn 60%, trong đó chủ yếu là các phương tiện loại nhỏ có trọng tải toàn phần  từ trên 01 tấn đến dưới 15 tấn.

Đặc biệt, theo Giấy chứng nhận đăng kiểm, ca nô chỉ được phép hoạt động trong vùng sông - vịnh kín. Thực tế, ca nô này đã đi từ Tiền Giang sang Vũng Tàu và bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.

Hàng loạt các vụ chìm tàu, ca nô, đò…từ những phương tiện thô sơ do người dân tự “chế” đến những loại phương tiện hiện đại bị tai nạn, trong đó nhiều vụ liên quan đến vấn đề mất an toàn của phương tiện đã thực sự trở nên đáng báo động. Tuy nhiên, dường như để xảy ra các vụ việc đáng tiếc, các cơ quan có trách nhiệm mới giật mình “chấn chỉnh” lại công tác quản lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đủ điều kiện an toàn mới được phép hoạt động

Phương tiện thủy nội địa thời gian gần đây phát triển mạnh, đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại và công dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, tỷ lệ đăng ký đạt tỷ lệ rất thấp, đăng kiểm cũng chịu chung “số phận” tương tự. Theo thống kê, phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm 444.142 chiếc.

Tính đến tháng 9/2012, số phương tiện đã đăng kiểm là 258.080 chiếc, đạt tỷ lệ 61%.  Các phương tiện chưa đăng kiểm chủ yếu là các phương tiện loại nhỏ có trọng tải từ 5 tấn đến dưới 15 tấn, công suất máy chính từ 5 mã lực đến dưới 15 mã lực.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành quy định miễn lệ phí trước bạ cho chủ phương tiện khi đăng ký để giảm bớt chi phí cho chủ phương tiện, nhiều địa phương cũng đã tạo điều kiện đến mức tối đa trong thủ tục về đăng ký cho chủ phương tiện nhưng nhìn vào những con số nói trên cho thấy cả tỷ lệ đăng ký và đăng kiểm đều chưa đáp ứng được yêu cầu.

 Phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu là các phương tiện loại nhỏ có trọng tải dưới 15 tấn, công suất máy chính dưới 15 mã lực. Nguyên nhân chính của tình trạng này theo Bộ GTVT là do trước khi có Luật GTĐTNĐ năm 2004, các phương tiện loại nhỏ chưa quy định bắt buộc phải đăng ký. Để bảo đảm an toàn và quản lý chặt chẽ hơn, Luật yêu cầu phải đăng ký.

Tuy nhiên, nhận thức của người dân chưa theo kịp. Khi làm thủ tục đăng ký, các phương tiện này bị thiếu giấy tờ như hóa đơn, lệ phí trước bạ, hồ sơ gốc nên không thể thực hiện đăng ký vì loại phương tiện này thường tự đóng theo phương pháp dân gian mà không có thiết kế được phê duyệt. Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra đó là “một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa có những giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác này”.

Ngoài việc “siết chặt” hơn các quy định về thuyền viên và người lái phương tiện, về điều kiện bảo đảm an toàn cho các loại phương tiện lớn, các hành vi bị nghiêm cấm…Dự thảo Luật GTĐTNĐ sửa đổi cũng quy định điều kiện hoạt động của phương tiện cho từng loại phương tiện theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Dự luật nên bổ sung quy định đối với phương tiện GTĐTNĐ kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về an toàn so với phương tiện tự đi lại thông thường nhằm tăng cường sự QLNN, bảo đảm an toàn cho hành khách.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan đăng kiểm trong việc bảo đảm an toàn cho phương tiện cũng là bảo đảm cho sự an toàn cho người tham GTĐT.

Nga Minh      

Đọc thêm