(PLO) - Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xác định lại tuổi thật của tử tù Trần Văn Thơi (Đồng Mai, Kiến Tường, Long An) vì lý do tháng 6 hàng năm không có ngày 31 nên việc xác định bị cáo sinh ngày 31/6/1992 là phi thực tế.
Một phút nông nổi, mất hai mạng người
Vụ án xảy ra vào khoảng 21h 30 ngày 22/3/2011, trong lúc ngồi uống rượu tại quán của chị Huỳnh Thị May ở chợ Gành, xã Đồng Mai, huyện Kiến Tường, tỉnh Long An, bị cáo Trần Văn Thơi (sinh ngày 31/6/1992; ngụ cùng địa chỉ trên) đã xảy ra mâu thuẫn với anh Châu Ngọc Tuyên cùng xã.
Sau đó, Trần Văn Thơi cùng bạn là Vi Văn Thiết về nhà lấy 01 con dao nhọn dài 25cm, rộng 3,2cm rồi quay lại quán để đánh nhóm của anh Tuyên. Trong lúc hai bên đánh nhau, Thơi đã dùng dao đâm anh Tuyên 4-5 nhát vào vùng đầu, hông trái, ngực trái và thấu phổi. Lúc này, anh Lương Phạm chạy đến định đánh Thơi thì bị Thơi dùng dao đâm 01 nhát trúng người, anh Phạm bỏ chạy thì Thơi đuổi theo đâm 02 nhát vào lưng, thấu phổi. Hậu quả, anh Châu Ngọc Tuyên và anh Lương Phạm đều tử vong trên đường đi cấp cứu.
Ngay sau khi bị bắt, Trần Văn Thơi khai sinh ngày 31/6/1992 theo Giấy chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, gia đình bị cáo cho rằng ngày, tháng, năm sinh trên là do khai lại để bị cáo được đi học sớm, chứ thực tế Trần Văn Thơi sinh năm 1993. Nếu Thơi sinh năm 1993 thì thời điểm gây án bị cáo chưa đủ 18 tuổi.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An đã căn cứ vào các tài liệu như Giấy chứng minh nhân dân của Trần Văn Thơi thể hiện Thơi sinh ngày 31/6/1992, phù hợp với lời khai của Thơi tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, nên Tòa án cấp sơ thẩm kết luận Thơi sinh năm 1992. Theo căn cứ này, thời điểm phạm tội bị cáo Thơi đã đủ 18 tuổi và áp dụng hình phạt tử hình đối với Trần Văn Thơi.
Với hành vi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm hai người chết, Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2011/HSST ngày 19/8/2011, TAND tỉnh Long An đã áp dụng các Điểm a, n Khoản 1 Điều 93; các Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn Thơi tử hình về tội “Giết người”. Đồng phạm Vi Văn Thiết cũng bị kết án 20 năm tù về cùng tội danh.
Sau xét xử sơ thẩm, ông Trần Thới (cha đẻ của bị cáo Trần Văn Thơi) cung cấp các tài liệu thể hiện bị cáo Thơi sinh năm 1993 chứ không phải 1992. Theo ông Thới, Thơi sinh năm 1993, thời điểm gây án bị cáo Thơi chưa đủ 18 tuổi nên việc TAND tỉnh Long An tuyên phạt Thơi mức án tử hình là oan sai bởi theo quy định của pháp luật, ở độ tuổi này Thơi chỉ phải chịu mức án “kịch khung” là 18 năm tù.
Ngày 20/8/2011, Trần Văn Thơi và Vi Văn Thiết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, các tài liệu ông Trần Thới cung cấp thể hiện Thơi sinh năm 1993 đều không đượcTòa án cấp phúc thẩm chấp nhận và vẫn xác định Thơi sinh ngày 31/6/1992. Việc xác định tuổi chính xác của Trần Văn Thơi còn thiếu căn cứ vững chắc bởi vì tháng 6 hàng năm chỉ có 30 ngày, không có ngày 31, trong khi cấp sơ thẩm xác định Thơi sinh ngày 31/6/1992 là phi thực tế.
Đồng thời trong hồ sơ vụ án còn có nhiều tài liệu thể hiện mâu thuẫn về ngày, tháng, năm sinh của Trần Văn Thơi. Cụ thể: Bản gốc giấy khai sinh của Trần Văn Thơi đã bị mất, chỉ thu được 02 bản sao thể hiện khác nhau về năm sinh của Thơi. Bản sao giấy khai sinh đề ngày đăng ký là 30/11/1997 do ông Huỳnh Thúc Văn ký sao y thể hiện Thơi sinh ngày 31/6/1992. Bản sao giấy khai sinh của Thơi đềngày đăng ký là 30/6/1993 do ông Châu Vi Diễn (Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Mai) ký sao y thể hiện Thơi sinh ngày 31/6/1993.
Công an huyện Kiến Tường, tỉnh Long An lưu giữ 02 quyển sổ hộ khẩu của gia đình ông Trần Tung (ông nội Thơi) đều được cấp ngày 23/4/1996. Trong đó, 01 quyển có dấu sửa năm sinh của Thơi giữa 1992 và 1993; còn 01quyển thể hiện Thơi sinh năm 1993. Tại Kết luận giám định số 10 ngày 15/02/2012 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An xác định năm sinh của Thơi trong quyển hộ khẩu nêu trên đã bị sửa từ năm 1993 sang năm 1992. Kết luận này phù hợp với lời khai của ông Trần Thới là Thơi sinh năm 1993, sau đó ông xin sửa thành sinh năm 1992 để Thơi đi học trước tuổi.
Công an xã Đồng Mai lưu 02 quyển đăng ký hộ khẩu của gia đình Trần Văn Thơi, đều thể hiện khác nhau về năm sinh của Thơi gồm: Sổ (số lưu trữ là quyển 7) thể hiện Thơi sinh năm 1992 và Sổ (không số) thể hiện năm sinh của Thơi có dấu sửa giữa 1992 và 1993. Bản kết luận giám định số10 nêu trên xác định năm sinh của Thơi trong sổ đăng ký hộ khẩu này bị sửa từ năm 1993 sang năm 1992. Bà Huỳnh Thị Bương (người đỡ đẻ Trần Văn Thơi) xác định năm sinhcủa Thơi không thống nhất: lúc thì khai sinh năm 1992, lúc thì khai sinh năm 1993.
Ngày sinh của bị cáo không tồn tại trên dòng thời gian
Tuy chứng cứ khẳng định Trần Văn Thơi sinh năm 1992 chưa vững chắc nhưng tại Bản án hình sự phúc thẩm số 558/2012/HSPT ngày 10/9/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, không chấp nhận các tài liệu do gia đình bị cáo Trần Văn Thơi cung cấp, giữ nguyên phần trách nhiệm hình sự của bản án sơ thẩm. Tòa Phúc thẩm tuyên y án Trần Văn Thơi tử hình, Vi Văn Thiết 20 năm tù cùng về tội“Giết người”. Án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay, Trần Văn Thơi được coi là tử tù chờ thi hành án. Sau đó, bị cáo Thơi và gia đình đã liên tục làm nhiều đơn kêu oan, xin cứu xét. Nếu kết án tử hình Thơi thì đây sẽ là vụ án oan sai trong lịch sử tố tụng vì Thơi bị kết án tử hình khi ở độ tuổi chưa thành niên.
Sau khi xem xét hồ sơ và đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 27/2013/HS-KN ngày 16/11/2013, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên đối với Trần Văn Thơi để điều tra lại theo hướng xem xét về độ tuổi thực của bị cáo, nếu cần thiết phải tiến hành giám định ADN về độ tuổi của bị cáo Trần Văn Thơi để tránh oan sai.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 07/2014/HS-GĐT ngày 18/4/2014, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng qui định của pháp luật. Đây được đánh giá là quyết định đúng đắn và nhân văn thể hiện sự thận trọng của cơ quan pháp luật trước sinh mạng của một con người./.