Khoản tiền này đã được tính trong đơn gửi tới TANDTC ngày 17/4 vừa qua và trong quá trình thương lượng, sẽ có những tính toán cụ thể hơn.Vợ ông Chấn có được bồi thường tinh thần?
Kể từ ngày 25/1/2014 - ngày ông Nguyễn Thanh Chấn được cơ quan điều tra Bộ Công an kết luận không thực hiện hành vi giết người - được tính là ngày bắt đầu thời hiệu 2 năm yêu cầu bồi thường.
Đến nay, ông Chấn mới nộp đơn là do phải thu thập những chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu bồi thường của mình. Thêm vào đó, vợ chồng ông Chấn đau ốm liên miên, mất nhiều thời gian đi khám, chữa bệnh nên quá trình yêu cầu bồi thường cũng bị ảnh hưởng.
Được biết, ngoài các khoản yêu cầu bồi thường theo luật định, ông Chấn còn yêu cầu bồi thường một khoản hàng tỷ đồng cho thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm và tinh thần của những người trong gia đình.
“Việc tôi bị điều tra, truy tố, xét xử oan sai đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín không chỉ với riêng tôi mà còn tới cả gia đình, họ tộc của tôi. Dân làng, xã hội lên án gia đình tôi trong khi mẹ tôi già yếu không nơi nương tựa, không ai chăm sóc và các con còn đang tuổi ăn học phải bỏ nửa chừng. Các cháu lớn lên thì không xin được công ăn việc làm vì không được học hành, không có bằng cấp lại có bố phạm tội “Giết người”. Vợ tôi vì quá uất ức đã sinh bệnh, hiện tại vẫn chưa thể chữa trị khỏi (…).
Chính vì thế tôi đề nghị số tiền bồi thường về tinh thần, ngoài khoản cho tôi theo luật, tôi yêu cầu bồi thường những tổn thất về mặt tinh thần cho những người trực tiếp bị thiệt hại là mẹ già, vợ và các con tôi” - ông Chấn nêu trong đơn.
Không ai phủ nhận 10 năm tù oan sai đối với ông Chấn không gì bù đắp được, mất mát đối với người thân của ông Chấn không gì lấy lại được, nhưng việc bồi thường sẽ gặp những trở ngại nhất định, đặc biệt là những khoản bồi thường tinh thần cho người thân như ông nêu trong đơn.
Là người từng tham gia một số vụ đòi bồi thường oan sai, Luật sư Nguyễn Minh Cường (VPLS Nguyễn Cường và cộng sự- ĐLS Hà Nội) nhận định: “Thiệt hại tinh thần rất khó định lượng. Thường chủ yếu thiệt hại tinh thần được tính cho người bị oan sai, nhưng với người nhà thì chưa có quy định cụ thể, và thực tế việc chứng minh quan hệ nhân quả giữa việc oan sai và hậu quả bệnh tật, ốm đau của người thân cũng khó. Nếu có được tính thì với mức rất nhỏ thôi”.
Về yêu cầu bồi thường tổn thất cho bản thân mình, ông Chấn đề cập chuyện bị nhục hình: “Thời gian ở tù là quãng thời gian cơ cực của tôi, tôi bị ép cung, nhục hình, bị đánh đập chà đạp lên nhân phẩm và quyền con người của tôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tôi bây giờ và sau này”.
Về yêu cầu này, một luật sư cho rằng, có thể yêu cầu này còn bị “vướng” bởi chưa khởi tố điều tra các điều tra viên bị tố đã đánh đập ông Chấn nên chưa thể có căn cứ xác định chính xác có bị nhục hình hay không, điều đó có làm ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe hay không. Vì thế, đây cũng là một khó khăn trong quá trình giải quyết bồi thường.
“Giả sử, các điều tra viên bị khởi tố, truy tố và tại phiên tòa xử các điều tra viên xác định có việc dùng nhục hình thì ông Chấn lúc đó với tư cách là bị hại sẽ có yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần, vật chất thì phù hợp hơn”- Luật sư này nói.
Được bồi thường nhiều hơn nếu không kiện ra Tòa?
Theo quy định, sau khi thụ lý đơn, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải xác minh thiệt hại trong 20 ngày để làm căn cứ mức bồi thường. Nếu có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
Sau đó, phải thương lượng với người bị thiệt hại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc xác minh thiệt hại, nếu phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
Nếu không thương lượng được, vụ việc sẽ được kiện ra Tòa án giải quyết theo thủ tục dân sự. Như vậy, ông Chấn sẽ phải chờ 3 tháng nữa để biết được trả lời của TANDTC về các yêu cầu.
Nói về con số 10 tỷ yêu cầu của ông Chấn, Luật sư Nguyễn Minh Cường nhận định: “Có thể thiệt hại của ông Chấn và gia đình còn lớn hơn thế, nhưng sẽ khó đạt được trọn vẹn vì chứng minh thiệt hại xảy ra trong những vụ oan sai là rất khó, có thể do giấy tờ chứng minh không lưu lại đầy đủ (chi phí phô tô tài liệu, vé tàu xe đi lại...) hoặc nếu có thì không được coi là chứng cứ (như tài liệu phô tô...).
Tôi theo dõi chưa có vụ nào đòi được đủ số tiền yêu cầu. Như tôi đã từng trợ giúp pháp lý cho một người oan sai ở Ninh Bình đòi 500 ngàn tỷ nhưng cuối cùng chỉ được chưa đầy 500 triệu đồng.
Với những kinh nghiệm của một luật sư trong lĩnh vực này, theo tôi, ông Chấn và TANDTC nên thỏa thuận bồi thường với nhau, vì thường thỏa thuận sẽ đạt được mức bồi thường cao hơn và điều này được pháp luật cho phép, tất nhiên, mức thỏa thuận phải hợp lý vì đây là ngân sách Nhà nước”.
Gia đình ông Chấn cho biết sẽ bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu đòi bồi thường vì ban đầu mới chỉ gửi đơn. "Đúng là những chứng cứ về việc đi lại, phô tô tài liệu trong ngần ấy năm trời không thể có được, có ai nghĩ đến việc giữ lại để mà đòi bồi thường ngày hôm nay. Chúng tôi mong được xét một cách linh hoạt những khoản này”- một người thân của gia đình ông Chấn nói.