Tăng cường phối hợp, góp phần bảo vệ người bị oan, sai

(PLO) - Ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì cuộc họp liên ngành phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng. Theo đó, công tác phối hợp trong nội bộ các cơ quan nhà nước được yêu cầu phải tăng cường hơn nữa mới góp phần hữu hiệu, nhanh chóng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị oan, sai.
TAND TP.Hà Nội công khai xin lỗi công dân bị kết án oan. Ảnh: Thanh Quý
TAND TP.Hà Nội công khai xin lỗi công dân bị kết án oan. Ảnh: Thanh Quý
Chưa phối hợp để định hướng dư luận
Báo cáo về tình hình và kết quả phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước (BTNN) trong hoạt động tố tụng năm 2014, Phó Cục trưởng Cục BTNN (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng cho biết: Ngoài phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và báo cáo, thống kê về công tác bồi thường, năm 2014 Cục BTNN và các cơ quan liên ngành đã phối hợp, trao đổi nghiệp vụ công tác BTNN đối với 6 vụ việc. 
Cụ thể là vụ việc ông Phan Văn Lá yêu cầu bồi thường do bị oan trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Long An; vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang yêu cầu bồi thường do bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; vụ việc ông Nguyễn Văn Triều (Cần Thơ) được đình chỉ điều tra bị can theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999... 
Cũng trong năm 2014, Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường trực thuộc Cục BTNN đã hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự với 14 vụ việc. Những trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, Cục BTNN đã chuyển đơn tới các cơ quan có liên quan để giải quyết theo thẩm quyền. 
Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng chưa đạt được kết quả mong muốn như chưa đánh giá được thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng; chưa nắm bắt được thực chất nguyên nhân của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng để có giải pháp khắc phục. 
Đặc biệt, việc cung cấp thông tin hoặc phản hồi các vấn đề báo chí đăng tải về công tác BTNN trong tố tụng hình sự chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự chủ động và phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan có liên quan nên chưa định hướng được dư luận xã hội trong xử lý, giải quyết đối với một số vụ việc phức tạp, nhạy cảm. 
Nên có một đầu mối thống nhất
Cá biệt có vụ việc của ông Phan Văn Lá đến nay vẫn chưa xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường. VKSNDTC, Bộ Tư pháp và Bộ Công an có chung quan điểm TAND huyện Châu Thành là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, nhưng TANDTC lại có quan điểm rằng cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an huyện Châu Thành. Sự chưa thống nhất giữa các ngành về xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường khiến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Lá.
Từ vướng mắc trên, ông Lê Nam Thành (Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng) cho biết, kinh nghiệm trong Quân đội, các vụ việc dù chưa xác định sai phạm do cơ quan nào nhưng các cơ quan tố tụng trong Quân đội đều phải ngồi lại với nhau, thỏa thuận với người bị oan, sai để bàn phương hướng bồi thường, bàn xong sẽ tiến hành bồi thường ngay. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm, giải quyết bồi thường rất thuận lợi bởi lãnh đạo Bộ rất quan tâm và chỉ đạo giải quyết quyết liệt mỗi khi động chạm đến người dân. 
Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Lê Văn Thư thì phản ánh, hiện Bộ Công an chỉ nhận được 5 trường hợp có yêu cầu bồi thường và đã giải quyết được 4 vụ với tổng số tiền bồi thường gần 390 triệu đồng. Theo ông Thư, dù cũng còn hạn chế trước khi giải quyết bồi thường về cách xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường song ngành Công an đều kịp thời chi trả tiền bồi thường cho người bị oan, sai.
Đến từ TANDTC, Thẩm phán Tòa Hành chính Nguyễn Châu Khoa cho rằng, mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan trong bồi thường lại “có vấn đề” nên còn chưa thống nhất với nhau. Do vậy, ông Khoa mong muốn thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ và nên chăng quy định rõ có một cơ quan đầu mối đứng ra thực hiện bồi thường trong hoạt động tố tụng. 
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ sự tán thành với kiến nghị cần có một cơ quan đầu mối. Tuy nhiên, trước mắt phải thực hiện tốt các quy định hiện hành và trong nội bộ các cơ quan có liên quan phải tăng cường phối hợp hơn nữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Thứ trưởng cũng đề nghị các ngành chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, hỗ trợ cung cấp ý kiến pháp lý giúp người bị thiệt hại sử dụng có hiệu quả cơ chế BTNN.

Đọc thêm