Điều tra thảm kịch trực thăng MH-60S của hải quân Mỹ rơi ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ được tuyên bố đã thiệt mạng sau 5 ngày mất tích từ vụ tai nạn máy bay trực thăng ngoài khơi bờ biển California, hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong bản tin hôm 4/9.
Các thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ đang kết nối các thanh pogo, được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, với trực thăng MH-60S vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters
Các thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ đang kết nối các thanh pogo, được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, với trực thăng MH-60S vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Máy bay trực thăng MH-60S mà các thủy thủ gặp nạn đã bị rơi cách bờ biển San Diego, California khoảng 60 km, khi đang thực hiện các hoạt động bay thường lệ vào hôm 31/8. Một thuyền viên đã được cứu.

Từ 4/9, Hải quân đã chuyển các hoạt động từ tìm kiếm và cứu hộ sang phục hồi, sau hơn 72 giờ nỗ lực cứu hộ của 34 chuyến bay tìm kiếm cứu nạn và ít nhất 170 giờ bay với sự tham gia của 5 máy bay trực thăng.

Hải quân sẽ không tiết lộ tên của 5 thủy thủ bị tuyên bố đã thiệt mạng cho đến 24 giờ sau khi người thân của họ được thông báo "vì vấn đề tôn trọng gia đình và theo chính sách của Hải quân", Aljazeera đưa tin.

Trung úy Samuel R Boyle, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương, cho biết năm thủy thủ khác trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln bị thương cùng ngày máy bay trực thăng MH-60S gặp nạn đã ở trong tình trạng ổn định.

Một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đang được tiến hành nhưng việc các thủy thủ trên tàu sân bay bị thương đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu chiếc trực thăng hoặc các bộ phận của nó có va vào tàu sân bay USS Abraham Lincoln và dẫn đến việc các thủy thủ bị thương hay không.

Khi máy bay trực thăng cất cánh và hạ cánh trên tàu, có các nhân viên mặt đất có mặt trên tàu sân bay gần đó và những người khác làm việc trên boong.

Máy bay trực thăng MH-60S thường chở một phi hành đoàn khoảng 4 người và được sử dụng trong các nhiệm vụ bao gồm hỗ trợ chiến đấu, cứu trợ nhân đạo thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.