Tài sản trí tuệ mang lại lợi ích kinh tế khó có thể đong đếm cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự thành công và thịnh vượng của một quốc gia. Tuy nhiên, tài sản trí tuệ vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là việc định giá loại tài sản vô hình này vẫn còn gặp một số bất cập.
Lợi ích trong kinh doanh
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam ngày càng sôi động và SHTT ngày càng khẳng định được vai trò như một công cụ hữu hiệu bảo đảm sự phát triển bền vững của một nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, ở nước ta, việc định giá tài sản trí tuệ còn là một vấn đề mới và phức tạp, đòi hỏi tiếp cận một cách có hệ thống. “Tài sản trí tuệ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của nó, một phần nguyên nhân là do chúng ta chưa giải quyết được một số vấn đề liên quan, đặc biệt là định giá tài sản trí tuệ”, Thứ trưởng Nguyễn Quân nhận xét thẳng thắn.
Tại Việt Nam, sau khi được bảo hộ, nước mắm Phú Quốc đã tăng giá bán từ 12.000 đồng/lít năm 2007 lên 21.000 đồng/lít năm 2009; vải thiều Lục Ngạn tăng từ 3.000-6.000 đồng/kg năm 2007 lên 10.000 – 11.000 đồng/kg năm 2009. Trên thế giới, một số giao dịch độc quyền sáng chế điển hình cho thấy giá trị của tài sản trí tuệ ở mức rất cao, chẳng hạn: Novell đã mua 39 sáng chế từ các công ty dịch vụ web bị vỡ nợ với giá 16,6 triệu USD; Cirrus Logic bán các sáng chế cho Broadcom 18 triệu USD; Sun Microsystems mua các tài sản trí tuệ của Procom Technology 50 triệu USD; hay Rechearch in Motion mua các sáng chế về GPS 170 triệu USD…
|
Tại Mỹ, đầu tư vào tài sản vô hình đã tăng rất nhanh kể từ năm 1953 đến nay: năm 1953, khoản đầu tư này chiếm chưa đầy 4% GDP, song tới năm 2000 đã chiếm khoảng trên dưới 10% GDP. Tới năm 2006, Mỹ đã sẵn sàng chi hơn 1,1 nghìn tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực phần mềm, R&D (nghiên cứu và phát triển)… Không những vậy, số lượng tri thức có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế đã tăng rất mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Theo Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, một số nhãn hiệu được định giá cao như: Coca Cola 70,45 tỷ USD, Microsoft 65,15 tỷ USD, Mercedes 21,37 tỷ USD, PS 5 triệu USD,…
Định giá tài sản trí tuệ: Khó!
Định giá tài sản và chuyển gia công nghệ là quá trình chuyển kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến thị trường vì lợi ích của xã hội, nhằm góp phần vào sự thành công kinh tế và gia tăng thịnh vượng. Định giá tài sản trí tuệ là cơ sở cho hàng loạt các hoạt động kinh tế quan trọng như chuyển giao tài sản trí tuệ, mua bán, góp vốn, liên doanh… giúp doanh nghiệp xác định được tài sản thực của mình nhằm tạo cơ sở hoạch định chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả, cũng như quản lý các hoạt động tài chính như kiểm toán, kế toán, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chính sách thuế…
Trên thực tế, hiện nay ở Việt Nam, hệ thống pháp luật SHTT đã đầy đủ và được triển khai tích cực, song nhận thức về vai trò của quyền SHTT đối với hoạt động sáng tạo và phát triển công nghiệp ở các khu vực tư nhân, tổ chức nghiên cứu và triển khai, cũng như ở các trường đại học còn thấp. Ngoài ra, theo ông Lê Tất Chiến, Cục SHTT, hiện nay không ít doanh nghiệp còn coi nhẹ loại tài sản trí tuệ dẫn đến việc không định giá hoặc định giá không đúng giá trị của nó. Không những vậy, ngay cả những doanh nghiệp đã trú trọng và đầu tư nhiều cho loại tài sản này, nhưng khi cổ phần hóa hay góp vốn liên doanh, việc định giá tài sản trí tuệ cũng không phải đã làm tốt, chưa kể là còn gặp quá nhiều khó khăn. Nguyên nhân có nhiều, song rõ nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến định giá, trong đó có định giá tài sản trí tuệ còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Cụ thể, hiện nay chỉ có Nghị định 80/2007/CP năm 2007 được áp dụng để điều chỉnh lĩnh vực này.
Trên thế giới, hiện cũng chưa có một phương pháp định giá được coi là chuẩn mực nào dùng để áp dụng cho mỗi quốc gia. Hơn nữa, tương ứng với mỗi đối tượng SHTT sẽ có phương pháp định giá phù hợp. Nhận thức được điều này, hiện một số cơ quan liên quan của nước ta đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, học hỏi kinh nghiệm về định giá tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ của thế giới, qua đó xác định được phương hướng và các phương pháp định giá tài sản trí tuệ một cách phù hợp với hoàn cảnh phát triển của Việt Nam.
Thủy Thu