Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 1/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo: "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình".
Các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình. (ảnh Nam Nguyễn)
Các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình. (ảnh Nam Nguyễn)

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Tại Việt Nam, Chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết: "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Cho tới nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành như: Số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm Hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam; Cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng, quản lý Chính phủ số đối với lĩnh vực du lịch; Số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ...

Quang cảnh hội thảo (ảnh Nam Nguyễn).

Quang cảnh hội thảo (ảnh Nam Nguyễn).

Tuy nhiên, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.

Liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, TS Phạm Thị Khánh Ngân – Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa đến tháng 12/2023 nêu hiện trạng về số lượng di tích, di sản tại Việt Nam. Theo bà Ngân, với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu thời gian tới là tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.

Trong đó, Bộ VHTTDL tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) - năm 2024 và tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án: “Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch” và Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Với các tham luận tại hội thảo, Bộ VHTTDL đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp từ đó làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình trong thời gian tới.

Đọc thêm