Định hướng Yên Bái là hình mẫu phát triển xanh

(PLVN) - Đến năm 2050, tỉnh Yên Bái được định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, thuộc nhóm tỉnh hàng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với phạm vi, ranh giới bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Yên Bái với tổng diện tích 6.892,67km2, với 9 đơn vị hành chính cấp huyện là Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình.

Hồ Thác Bà được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Ảnh: Nhật Nguyên.

Hồ Thác Bà được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Ảnh: Nhật Nguyên.

Mục tiêu chung của quy hoạch nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".

Bên cạnh đó, quy hoạch hướng đến phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đối với kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế bao gồm Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39,0%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng.

Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình đạt 0,92%/năm. Tuổi thọ trung bình người dân đạt 75 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 giảm bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; giai đoạn 2026 - 2030 giảm bình quân 2,0 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo từng thời kỳ.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên; đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.

Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Yên Bái hình thành 6 trục phát triển kinh tế gồm 3 trục dọc kết nối Bắc - Nam và 3 trục ngang kết nối Đông - Tây. Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành 2 trung tâm động lực kinh tế quan trọng và 3 vùng kinh tế - xã hội theo hiện trạng tự nhiên.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, tới năm 2030 toàn tỉnh Yên Bái sẽ có 26 đô thị gồm 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V. Đối với nông thôn, quy hoạch định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung với các loại cây như lúa, sắn, chè, cây ăn quả cùng với các vùng chăn nuôi tập trung, gắn với khôi phục, phát triển làng nghề đan xen trong các khu dân cư.

Đến năm 2030, Yên Bái sẽ có 7 khu công nghiệp bao gồm 3 khu hiện hữu và 4 khu mở mới. Đối với cụm công nghiệp sẽ giữ nguyên 6 cụm, đưa ra khỏi quy hoạch 3 cụm, mở rộng 2 cụm và giảm diện tích 1 cụm.

Đến năm 2030, Yên Bái sẽ có ít nhất 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Nhật Nguyên.

Đến năm 2030, Yên Bái sẽ có ít nhất 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Nhật Nguyên.

Đối với du lịch, Yên Bái sẽ tập trung thu hút đầu tư, xây dựng 2 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển của tỉnh và định hướng đảm bảo các tiêu chí khu du lịch quốc gia, gồm Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và Khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải.

Về phương án triển giao thông đường bộ, Yên Bái sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương và các địa phương liên quan đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (6 làn xe) theo quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Hà Giang (CT.12).

Chiều 18/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức Họp báo thông tin về công tác tổ chức các sự kiện và lễ hội văn hóa, du lịch lớn trong tháng 9/2023. Theo đó, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì tặng cho thành phố Yên Bái và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II diễn ra vào 20h ngày 24/9/2023 tại Quảng trường 19/8 trung tâm thành phố Yên Bái.

Đọc thêm