Ngược dòng lịch sử, đình Lạc Giao được xây dựng vào năm 1928, với mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thờ Thần hoàng làng. Tên đình có ý nghĩa thể hiện mối giao hảo, lời thề nguyền người Kinh - Thượng cùng “chung lưng đấu cật” chống lại sự áp bức, bóc lột của chính quyền đô hộ thực dân.
Thời điểm đó, với mưu đồ chia rẽ dân tộc, thực dân Pháp đã ban bố nhiều luật lệ hà khắc hòng ngăn cản mối quan hệ giữa người Kinh ở miền xuôi và các dân tộc ít người trên Tây Nguyên.
Bất chấp chính sách đóng cửa và sự ngăn cấm của giặc Pháp, ông Phan Hộ, người làng Đại Cát (xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cùng một số thương nhân đã tìm cách ngược lên các tỉnh Tây Nguyên để trao đổi, buôn bán hàng hóa. Qua giao thương, gặp gỡ, đoàn thương nhân của ông Phan Hộ tạo được nhiều thiện cảm tốt từ các già làng bản địa và sự giúp đỡ của vị tù trưởng lừng danh Ama Thuột.
Trước những điều thuận lợi, ông Phan Hộ dẫn gần chục gia đình lên lập làng ngay giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột. Để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa, ông Phan Hộ và người dân đã dựng lên đình “Lạc Giao”. Tên gọi Lạc Giao có ý nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào bản địa cùng “chung lưng đấu cật” để xây dựng vùng đất cao nguyên.
Theo Ban quản trị di tích đình Lạc Giao: đình Lạc Giao thờ cụ Đào Duy Từ - vị Thần hoàng bản thổ và cụ Phan Hộ là tiền hiền. Tại đây còn bảo lưu truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ chống thực dân Pháp, là nơi che chở, cưu mang, giúp đỡ các chiến sĩ cộng sản tù ở Buôn Ma Thuột vào giai đoạn 1930 - 1945. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, đình là nơi ra mắt chính quyền Cách mạng thị xã Buôn Ma Thuột, đồng thời cũng là nơi thờ các liệt sĩ Nam tiến hi sinh và đồng bào tử nạn.
Giai đoạn 1968 - 1975, đình Lạc Giao được Nhân dân xây dựng lại sau 2 lần bị bom Mỹ tàn phá ác liệt. Sau này, đình cũng chứng tích sự ra mắt của Ủy ban quân quản Đắk Lắk năm 1975.
Năm 1990, đình Lạc Giao được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cứ các dịp Xuân Thu nhị kỳ, dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân, Lễ Tế Thu với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột năm 1945. Đặc biệt, cứ đến ngày 10/3 Âm lịch hàng năm, cùng với các địa phương trong cả nước, chính quyền và người dân anh em các dân tộc trong tỉnh lại long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cùng dâng hương hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Giữa không khí trang trọng với màn tấu chiêng, khai trống, nghi thức tế truyền thống, dâng hương, dâng bánh chưng, bánh dày, người dân cùng du khách lại được nghe lễ báo công, đọc chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban Tổ chức các hoạt động văn hóa tại Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đình Lạc Giao cho biết: Hàng năm, UBND tỉnh Đắk Lắk đều chọn đình Lạc Giao là nơi tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Có thể nói, đình Lạc Giao không chỉ là nơi giao lưu văn hóa tâm linh mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cũng như củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc tại Đắk Lắk.