Lễ hội được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1.057 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (968-2025) và tưởng niệm 1020 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng Đế (1005-1025).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu dự khai mạc Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: Đức Nguyên. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh trống khai hội Hoa Lư năm 2025. Ảnh: Đức Nguyên. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Ninh Bình là vùng đất mang đậm các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc với trung tâm là thành phố Hoa Lư nổi tiếng - nơi người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh năm 968 đã lên ngôi Hoàng đế và lập nên kinh đô của nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, khởi đầu cho các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc.
Tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiên đế, tiền nhân, các anh hùng dân tộc, các thế hệ người dân Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đã dày công xây dựng, vun đắp, gìn giữ Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành, cùng nhiều đền đài, miếu mạo, công trình kiến trúc; trao truyền các lễ hội, những câu ca, điệu múa, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc trên vùng đất Cố đô, thể hiện những nét văn hóa dân gian đặc sắc và lịch sử đất nước qua các triều đại: Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của Nhà Lý.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, Lễ hội Hoa Lư, một trong những giá trị di sản đặc sắc nêu trên, đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần phong phú, gắn kết của người dân Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình và của cả nước.
Không chỉ là một lễ hội cổ truyền, hướng về cội nguồn dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lễ hội Hoa Lư còn là một Di sản Văn hóa phi vật thể của quốc gia, không ngừng được nâng tầm về quy mô, cách thức tổ chức với nhiều đổi mới, sáng tạo, nội dung phong phú, đa dạng, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ ở cả tầm quốc gia, khu vực và trên thế giới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình và thành phố Hoa Lư cùng với những kết quả quan trọng đạt được trong sự nghiệp bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên vùng đất Cố đô, nhất là gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư, góp phần quan trọng quảng bá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những nét văn hóa đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam.
![]() |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Lư - Ảnh: VGP
Trong giai đoạn phát triển mới, nhằm tiếp tục phát huy những giá trị di sản, trong đó có Lễ hội Hoa Lư, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; đồng thời góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành một Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị tỉnh Ninh Bình, thứ nhất, tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra.
Trong đó, lấy du lịch, công nghiệp văn hoá làm cụm ngành mũi nhọn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá; phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; phát triển xứng tầm với truyền thống lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
![]() |
![]() |
Một số tiết mục trong chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Lư. |
Thứ hai, tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh, giá trị độc đáo riêng có của tỉnh Ninh Bình, nhất là các giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; chú trọng phát triển bền vững, giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm và chú trọng phổ biến, nâng cao nhận thức, nhất là cho thế hệ trẻ về các giá trị lịch sử - văn hóa của Cố đô Hoa Lư, Nhà nước Đại Cồ Việt.
Đặc biệt, tăng cường bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Lễ hội Hoa Lư; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo tồn không gian tâm linh linh thiêng của Lễ hội; có các chương trình đào tạo, trang bị, phổ biến rộng rãi kiến thức về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán cho cộng đồng, nhất là đội ngũ nhân lực phục vụ Lễ hội; gắn kết chặt chẽ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội Hoa Lư với các hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.
"Với truyền thống lịch sử hào hùng của Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến; cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương, sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, ý chí, khát vọng và hào khí Cố đô, quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành điểm sáng tiêu biểu cho tăng trưởng xanh dựa trên sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn di sản văn hoá, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; đưa Ninh Bình phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc", Phó Thủ tướng Lê Thành Long bày tỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2025. Ảnh: Đức Nguyên. |
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Việc tổ chức Lễ hội Hoa Lư hằng năm một cách quy mô, bài bản, xứng tầm thể hiện sự tiếp nối, kế thừa và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa Hoa Lư trong đời sống đương đại hiện nay.
Lễ hội Hoa Lư là dịp để Ninh Bình và người dân cả nước tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng đế, các vị tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công thống nhất đất nước, xây dựng nền độc lập và tự chủ của dân tộc, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, mở nền chính thống; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
“Gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư là gìn giữ hồn cốt linh thiêng của mảnh đất Cố đô ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn trân trọng, tự hào và tạo mọi điều kiện để Lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi, thực sự trở thành hoạt động sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi chốn đi về của đông đảo nhân dân và bạn bè trong nước, quốc tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định.