Chi phí quản lý dự án giao thông thấp nhất
Hiện nay, định mức chi phí quản lý và tư vấn dự án, công trình giao thông được áp dụng theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 (gọi tắt là Thông tư 12) do Bộ Xây dựng ban hành. Nhiều đơn vị quản lý dự án của Bộ GTVT cho rằng, định mức theo quy định này còn thấp, nhiều bất cập.
Theo đó, Thông tư 12 quy định định mức chi phí quản lý và tư vấn dự án thuộc 5 lĩnh vực là công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật. Điều đáng nói, định mức lĩnh vực giao thông lại thấp nhất trong 5 lĩnh vực trên.
Cụ thể, với dự án có mức 1.000 tỷ đồng cho chi phí xây dựng và thiết bị, tỷ lệ định mức quản lý dự án của công trình dân dụng là 1,239%, công trình công nghiệp là 1,279%, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là 1,174%, thì công trình giao thông là 1,088%. Tương tự, với dự án cho chi phí xây dựng và chi phí thiết bị ở mức 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ định mức chi phí quản lý dự án của công trình dân dụng là 0,510%, công trình công nghiệp là 0,527%, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là 0,484% thì công trình giao thông chỉ là 0,448%.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long, việc quy định định mức trên là chưa phù hợp bởi đặc thù của công trình giao thông, nhất là các dự án lớn thường trải dài trên nhiều địa bàn, với địa hình địa chất phức tạp, khi làm việc di chuyển khó khăn. Chi phí để duy trì hoạt động quản lý dự án có nhiều mục nhỏ như chi phí ăn ở, đi lại, tiền lương, bám sát hiện trường, kiểm soát yêu cầu về tiến độ, chất lượng… những việc này đối với người quản lý dự án giao thông được cho là cần nhiều thời gian, công sức hơn so với quản lý các dự án thuộc lĩnh vực dân dụng, công trình công nghiệp.
Lãnh đạo PMU Thăng Long phân tích thêm, vòng đời của một dự án giao thông từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi quyết toán thường kéo dài, trung bình khoảng 6 - 7 năm. Bên cạnh đó, công tác quản lý dự án bao gồm quản lý tất cả gói thầu như tư vấn, bảo hiểm, rà phá bom mìn, xây lắp và tham gia phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhưng cấu thành chi phí quản lý dự án chỉ được tính trên giá trị xây lắp.
Được biết, hiện nay PMU Thăng Long đang quản lý hai dự án lớn thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 là Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Chi phí quản lý cho hai dự án này khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên theo đại diện PMU Thăng Long, đơn vị này phải huy động hàng trăm người để quản lý dự án, bình quân chi phí mỗi năm “ngốn” khoảng 25 tỷ đồng.
Thi công cầu Mỹ Thuận 2 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông |
Tính giá vật liệu chưa sát
Theo đại diện Bộ GTVT, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều phản ánh từ nhà thầu liên quan đến việc địa phương có các dự án giao thông trọng điểm đi qua công bố giá vật liệu chưa sát với thực tế. Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng biến động mạnh, tăng cao trong thời gian gần đây, việc công bố giá vật liệu xây dựng thấp hơn so với thực tế đã khiến nhiều nhà thầu nguy cơ thua lỗ khi thực hiện dự án.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hữu Tới - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex, đơn vị này đang thi công hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Thực tế thi công, giá vật liệu tăng nhanh, mạnh nhưng địa phương công bố chỉ số giá vật liệu chưa kịp thời, thấp hơn so với giá thực tế.
Cụ thể, lãnh đạo Vinaconex cho biết, tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, giá thép hiện gần 20.000 đồng/kg, nhưng giá công bố của địa phương là hơn 18.000 đồng/kg; giá đất là 158.000 đồng/m3, còn giá công bố 105.000 đồng/m3. Vật liệu sử dụng thi công cao tốc như cát vàng, đất đắp nền đường, cốt liệu đá đòi hỏi chỉ tiêu kỹ thuật riêng thì không được địa phương nêu tên cụ thể, điều này khiến nhà thầu bị thiệt hại khi tính giá.
Cũng theo lãnh đạo Vinaconex, đất đắp là vật liệu quan trọng và chiếm tỷ trọng 10-15% giá trị gói thầu, nhưng trong hợp đồng lại không được điều chỉnh đơn giá trong bối cảnh thời gian vừa qua giá đất đắp nền đường tăng 25-35%.
Bộ GTVT cũng cho rằng, hiện nay nhiều địa phương công bố giá một số loại vật liệu chưa sát với thực tế, thường có mức giá thấp hơn so với giá thị trường. Chi phí quản lý dự án theo quy định của Bộ Xây dựng cũng thấp.
Do đó, để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đảm bảo bù đắp chi phí trượt giá, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo hoặc báo cáo Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc xác định, công bố chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp với biến động thị trường. Đối với dự án quan trọng quốc gia, Bộ GTVT đề nghị địa phương khảo sát, xây dựng và công bố giá vật liệu, chỉ số giá riêng cho dự án.