Giữ được thân, không giữ được tâm
Chó, mèo hiện nay là những vật nuôi phổ biến đối với mỗi cá nhân, gia đình. Chúng giống như một thành viên trong nhà, được chủ nhân chăm bẵm, nuôi nấng cẩn thận. Tuy nhiên, dù sống cạnh người, nhưng các chú chó, chú mèo vẫn giữ những hành động nghịch ngợm, tự do. Như việc “trốn” đi chơi rồi bị trộm chó, trộm mèo bắt. Rắc rối hơn là đi sang nhà hàng xóm ăn vụng, phá phách. Tệ nhất, là gây ra thương tích cho người khác khiến chủ nhân phải đền bù thiệt hại lên đến cả chục triệu đồng.
Để bảo vệ, cũng như quản lý “thú cưng”, rất nhiều người đã gắn chip định danh có ghi số điện thoại, địa chỉ nhà và mã vạch riêng bắn vào cổ vật nuôi. Còn một số người khác, chọn mua vòng cổ định vị GPS kết nối với điện thoại để kiểm tra “hành tung” của động vật nhà mình. Mỗi lần sử dụng các ứng dụng công nghệ này mất từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.
Anh Vũ Văn Đức (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, nhà anh rất thích nuôi giống cho Saymonyed, đây là một giống tương đối đắt và khó nuôi ở khí hậu Việt Nam, nên anh quản lý, chăm sóc “cún cưng” rất chu đáo: “Mùa hè, tôi bật điều hòa cho chó ở trong phòng cả ngày, với thời tiết 39 - 40 độ tại Việt Nam, thì giống chó này sẽ dễ bị sốc nhiệt mà chết”. Anh cũng chia sẻ, đề phòng chó bị mất trộm, anh không chỉ đeo vòng GPS, mà còn bắn chip vào cổ. Chi phí cho một chiếc vòng cổ khoảng 1 triệu đồng, bắn chip định danh vào cổ là hơn 500 nghìn đồng.
Chị Nguyễn Hoài Phương (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, chị rất yêu thích nuôi mèo, hiện tại, chị đang có sáu con: “Việc kiểm soát cả đàn mèo là vô cùng khó khăn, rất dễ bị mất trộm, bị thất lạc hoặc hàng xóm đánh do nghịch ngợm”. Để bảo vệ “thú cưng”, chị đã đeo cho mỗi con mèo một vòng cổ GPS để định vị. Chị cho biết, nhà hàng xóm rất khó tính, chị thường xuyên kiểm tra vị trí của mèo để không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Việc gắn thiết bị theo dõi cho chó, mèo đầu tiên giúp chúng khỏi đi lạc. Chó, mèo thất lạc có thể sẽ trở thành động vật hoang, rất dễ nhiễm những căn bệnh dại, bệnh truyền nhiễm, khi tiếp xúc hoặc cắn sẽ lây bệnh cho con người. Vì bảo vệ cho chó, mèo, chính là bảo vệ cho cộng đồng và sức khỏe của bản thân mỗi người.
Nhiều người cho chó, mèo đi học các lớp huấn luyện động vật sau nhiều vụ chó tấn công người diễn ra. (nguồn: pinterest) |
Thực tế cho thấy, theo số liệu thống kê vào năm 2021, Việt Nam có 5 triệu hộ nuôi chó, mèo, tổng số lượng lên đến 7,5 triệu con. Chủ nhân của vật nuôi không thể quản lý “thú cưng” trong cả một ngày được, nên việc chó, mèo xổng ra ngoài là chuyện rất khó tránh khỏi. Đối với những con có bản tính hiền lành, thân thiện thì không sao, nhưng ngược lại, có những giống rất hung dữ, việc cắn người vô cùng dễ xảy ra. Đặc biệt hơn, sự nguy hiểm nằm ở ngay trong vết cắn, có thể tiềm ẩn vi khuẩn căn bệnh dại. Trong năm 2022, cả nước đã ghi nhận 70 ca tử vong, ba tháng đầu năm 2023, có 23 ca tử vong vì bệnh dại. Không chỉ gây ra vết thương bên ngoài hay căn bệnh dại, việc bị những con chó lớn cắn có thể dẫn đến chết người.
Tuy nhiên, nhiều người lại quyết định không gắn thiết bị định vị hoặc GPS, vì cảm thấy vô tác dụng đối với vật nuôi của mình. Như trường hợp chị Thùy Trang (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Nhà tôi nuôi một con chó cảnh và ba con mèo, nhưng tôi không gắn bất kỳ thiết bị định vị nào”. Chị Trang cho rằng, thiết bị này chỉ quản lý được thân thể của con vật, không thay đổi bản tính nghịch ngợm, hiếu động, tò mò của “thú cưng”: “Giả dụ như khi chó ra ngoài, nhìn trên định vị, chủ nhân đâu thể biết chó có cắn người hay không? Đến lúc phát hiện ra, chủ đến nơi cũng chỉ giải quyết hậu quả”. Chị cho rằng, cách tốt hơn để kiểm soát vật nuôi, là hướng dẫn, dạy dỗ và luôn đóng cửa nhà thật cẩn thận, hay khi đi ra ngoài nên có rọ mõm và chủ luôn phải ở bên để bảo đảm an toàn.
Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, việc gắn chip hoặc đeo vòng cổ định vị GPS, chủ yếu để giúp vật nuôi khỏi đi lạc, dễ xác minh danh tính người chủ khi “thú cưng” lỡ gây họa, hoặc giảm thiểu tình trạng quá tải ở trạm cứu trợ động vật. Như tại Anh, vào năm 2016, tất cả chú chó sẽ phải gắn chip, nếu không, người chủ sẽ bị phạt 500 bảng Anh (tương ứng với khoảng 18 triệu đồng). Việc định danh vật nuôi, cũng như chủ nhân, có thể dễ dàng giúp mọi người bảo vệ được “thú cưng” và hạn chế việc đi lạc hoặc cắn người lạ của chúng. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn dứt điểm “tai họa” do vật nuôi gây ra.
“Tu tâm dưỡng tính” cho “thú cưng”
Nuôi động vật, cũng giống như nuôi một đứa trẻ trong nhà, chủ nhân luôn phải có trách nhiệm với chó, mèo của mình. Đặc biệt, với những người nuôi chó hoặc các loại động vật có kích thước lớn, chỉ cần mất cảnh giác, lơ là khi quản lý, có thể dẫn đến những tai nạn thương tiếc cho mọi người xung quanh. Các thiết bị định vị GPS, chip định danh chỉ hỗ trợ cho người chủ theo dõi hành trình đi lại của vật nuôi. Còn việc điều chỉnh tính cách, hành vi của chó, mèo, phải phụ thuộc vào người chủ rất nhiều.
Vì vậy, chủ vật nuôi không nên xem động vật là một “món đồ trang trí”, “đồ chơi” để giúp cuộc sống của mình vui vẻ, thoải mái mà quên đi những người xung quanh. Đặc biệt, các loài vật nuôi trong nhà đều là những động vật rất tình cảm, chủ là người mà chó, mèo tin tưởng, nghe lời nhất, nên sẽ dễ để dạy bảo, hướng dẫn chúng có thói quen, phản xạ tốt.
Theo thí nghiệm nổi tiếng của nhà khoa học Ivan Pavlov đã chỉ ra, các loài động vật đều có phản xạ có điều kiện, nếu được dạy dỗ, rèn luyện khuôn khổ, nền nếp. Ví dụ khi cho chó ăn vào lúc 5h chiều trong vài tháng liên tiếp, thì sau này, cứ đúng đến giờ, chúng sẽ lại đợi để được ăn. Như việc chó, mèo hay chạy ra ngoài chơi, không nghe lời, sủa, cắn người lạ, ít nhiều cũng liên quan đến trách nhiệm của người chủ. Sẽ còn đáng trách hơn, nếu như người chủ dung túng “thú cưng”, chiều chuộng quá mức, khiến chúng cắn người, phá phách, dọa dẫm,… mọi người xung quanh.
Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều người chủ tìm đến các trại huấn luyện chó, mèo để nghiêm trị những “thói hư, tật xấu” của động vật nhà mình. Chị Liên Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị đã phải chia xa thú cưng hơn hai tháng trời, để gửi chú chó vào một trại huấn luyện với số tiền hơn 10 triệu đồng cho một khóa. Được biết, khóa học phân chia các lớp dành cho giống chó lớn, chó nhỏ. Trong khóa học, “thú cưng” sẽ được dạy khoanh tay, đứng, ngồi theo lệnh, bảo vệ chủ nhân trước kẻ tấn công, kiểm soát hành vi như việc không tự nhiên cắn người, hoặc sủa lung tung. Chị Hương chia sẻ lý do cho “cún cưng” vào trại huấn luyện vật nuôi: “Gia đình chúng tôi muốn Mickey (tên chú chó) có thể tương tác, bày tỏ nhiều sắc thái cảm xúc hơn với những thành viên trong gia đình. Đặc biệt, dạo gần đây, thấy nhiều trường hợp người lạ bị chó nhà cắn, nên tôi muốn “bé” có thể tự chủ được bản thân”.
Chó, mèo được chủ nghiêm khắc dạy dỗ sẽ tập được những phản xạ tốt, không gây thương tích cho con người. (nguồn:Internet) |
Không chỉ chị Liên Hương, rất nhiều chủ vật nuôi khác cũng tìm mọi cách để “dạy dỗ” chó, mèo nhà mình. Phạm Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, anh đã gắn định vị cho vật nuôi nhà mình, nhưng không hiệu quả vì khi chủ đi đổ rác hoặc lấy xe ra ngoài, những chú chó xổng ra, “trốn” đi chơi, thậm chí còn gầm gừ khi bị anh bắt về. Anh đã đầu tư học những khóa huấn luyện chó theo buổi. Với giá 500 nghìn cho mỗi buổi học lẻ tại các trung tâm huấn luyện chó, mèo, để anh có thể về nhà quản lý được động vật nuôi trong gia đình: “Chó, mèo thông minh cũng là niềm vui của chủ. Tuy nhiên, nếu chúng không khôn bẩm sinh, thì chủ phải kiên trì, tìm cách để dạy dỗ các chú chó, chú mèo”. Với phương châm “cần cù bù thông minh”, anh Thanh đã có thể hướng dẫn chú chó nhà nhặt bóng theo lệnh, không dọa người lạ và ngồi im khi được lệnh.
Từ đó, cho thấy, việc nuôi chó, mèo không hề dễ dàng, người chủ phải tốn cả tiền bạc, thời gian để chăm sóc, dạy bảo “thú cưng” của mình. Những thiết bị công nghệ, dù có hữu ích, nhưng chỉ phát huy được hết tác dụng khi kết hợp với việc tập cho vật nuôi những phản xạ, thói quen tốt.