“Sức sống” 10 năm
Tại hội thảo do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 6/9 vừa qua, ông Nguyễn Việt Hùng- Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, Nghị định 27 mặc dù được xem là căn cứ pháp lý góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy giao dịch ngoài xã hội tại các lĩnh vực do Bộ Tài chính quản lý, song do đã ban hành hơn 10 năm nên nhiều quy định không còn phù hợp.
Do đó, việc xây dựng nghị định thay thế không chỉ khắc phục các hạn chế của Nghị định 27 mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho triển khai GDĐT trong lĩnh vực tài chính, góp phần giảm gánh nặng chi phí cho DN.
Với định hướng này, dự thảo nghị định bao gồm 2 nhóm chính sách là cụ thể hóa và mở rộng điều kiện chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử và bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực xử lý cho GDĐT của các bên tham gia.
Đánh giá Dự thảo Nghị định, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, Dự thảo tuy ngắn gọn, chỉ có 3 chương với 20 điều nhưng đã tạo ra sự thay đổi căn bản về tư duy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. “Việc thực hiện GDĐT sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm sự nhũng nhiễu, phiền hà khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước. Trong khi đó, với Nhà nước, GDĐT không chỉ tiết kiệm nguồn lực, giải quyết công việc hiệu quả mà còn góp phần quản lý chặt chẽ hơn các thông tin do có sự kết nối giữa các cơ quan quản lý. ..”- ông Tuấn phát biểu.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, trong thời gian qua, GDĐT trong lĩnh vực tài chính đã có những bước tiến đáng kể và ngành Tài chính là cơ quan nhà nước đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý.
Riêng với dự thảo nghị đinh sửa đổi Nghị định 27, theo ông Tuấn, việc xây dựng được tiến hành khá bài bản, bao gồm 2 bước cụ thể, trong đó có tổ chức lấy ý kiến của các DN. Điều đó chứng tỏ Bộ Tài chính rất cầu thị, cởi mở với mong muốn xây dựng một văn bản chất lượng tốt nhất.
Thách thức thực thi
Mặc dù đánh giá chất lượng của dự thảo song Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng chỉ ra nhiều thách thức khi triển khai ứng dụng GDĐT trong quản lý.
Điều đầu tiên được kể tới đó là sự chuyển động chưa đồng đều các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi Bộ Tài chính khuyến khích DN ứng dụng CNTT, thực hiện GDĐT thì mức độ thay đổi trong lĩnh vực này của các đơn vị quản lý khác như biên phòng, thị trường, công an lại chưa tương xứng, gây trở ngại cho DN. Mặc dù DN đã sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế, nhưng khi vận chuyển hàng hóa trên đường vẫn thường xuyên bị lực lượng quản lý thị trường, biên phòng yêu cầu phải xuất trình hóa đơn giấy khiến cho các DN đã làm thủ tục điện tử vẫn phải in, sao kê chứng từ…
Thứ hai là sự an toàn trong GDĐT, nhất là sử dụng chữ ký số, cách thức bảo đảm thông tin trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt cũng là vấn đề khiến DN lo ngại.
Mặt khác, Nghị định 156/2016/NĐ-CP đã hủy bỏ quy định dịch vụ GTGT trong GDĐT trong hoạt động tài chính là kinh doanh có điều kiện để phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014, tuy nhiên chưa có quy định thay thế đối với loại hình dịch vụ này, trong khi thực tế rất cần có loại hình dịch vụ tương tự để phục vụ nhu cầu của người dân, DN cũng như hỗ trợ đảm bảo, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan tài chính.
Dự thảo cũng quy định khi cần thiết, chứng từ giấy có thể chuyển sang chứng từ điện tử theo các phương thức: chứng từ giấy được chuyển thành điện tử dưới dạng hình ảnh nguyên trạng (quét thành tệp ảnh hoặc PDF); chứng từ giấy được nhận diện và chuyển đổi thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin (sử dụng mã vạch hoặc phần mềm nhận diện ngôn ngữ, hình ảnh). Với nội dung này, ông Hiệp cho rằng như vậy ảnh hưởng của tư duy chứng từ giấy là không dễ bỏ… “Tại sao không yêu cầu chứng từ bằng bản mềm và gắn chữ ký số vào?”, ông Hiệp đặt vấn đề.
Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), bà Lê Thu Mai chia sẻ, ngành Thuế đã có các quy định biểu mẫu kê khai, thủ tục về thuế, chứng từ… đã được thực hiện GDĐT nhưng có một số thủ tục khác liên quan đến thuế vẫn có yêu cầu về giấy tờ giấy khác mà không phải của ngành. Ví dụ như một số thủ tục hoàn thuế, miễn thuế vẫn yêu cầu giấy tờ như: giấy phép thành lập doanh nghiệp, chứng minh nhân dân… khiến người làm thủ tục gặp khó khăn khi thực hiện GDĐT. “Chúng ta có quy định về công chứng xác thực thì nay có nên đặt vấn đề công chứng điện tử hay không?”, bà Mai băn khoăn.