Bác sĩ “nhường” quần cho bệnh nhân
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam gặp bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh, kíp trưởng 1 kíp trực của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vào một ngày cuối tháng 2/2023, khi bác sĩ Hạnh trực khá căng thẳng. Ca trực tròn 24 giờ, từ 7h45 sáng hôm trước đến 7h45 sáng hôm sau. Tranh thủ thời gian vừa hoàn thành một chuyến cấp cứu người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, chị Hạnh chuẩn bị bữa trưa cho mình.
Chị Hạnh tâm sự, bác sĩ trực cấp cứu 115 có đặc thù so với những bác sĩ công tác tại các đơn vị y tế khác. Môi trường làm việc của các đơn vị y tế khác có thể ổn định ở trong phân khu của bệnh viện hoặc phòng khám, còn các bác sĩ trực cấp cứu 115 di chuyển nhiều, nay chỗ này mai chỗ khác, thậm chí làm việc dưới nước, trên mái nhà hay trong công trình đổ nát, bất kể thời tiết… "Hình thái thời tiết như nắng nóng, lạnh giá, mưa dông không chỉ ảnh hưởng tới chúng tôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cấp cứu người bệnh của chúng tôi”, bác sĩ Hạnh nói.
Bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh, kíp trưởng 1 kíp trực của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Ảnh: Ngọc Nga |
Bên cạnh đó, áp lực cấp cứu người bệnh với các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cũng khác so với các bác sĩ tại các đơn vị y tế khác. Bởi lẽ khi đi cấp cứu, 1 ekip chỉ có 3 người, và khi tiếp cận bệnh nhân các bác sĩ phải thực hiện các thủ thuật cấp cứu ban đầu ngay tại nhà, xung quanh có cả người thân của bệnh nhân. “Có những trường hợp cấp cứu được người nhà thấu hiểu không sao, nhưng có những trường hợp người nhà sốt ruột, mắng mỏ bác sĩ. Hay khi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, khi đề nghị người nhà thanh toán chi phí theo quy định, chúng tôi còn bị người nhà chửi rất thậm tệ”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Làm bác sĩ trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội từ năm 2008, đến nay đã tròn 15 năm, chị Hạnh có rất nhiều kỷ niệm. Không ít khi cấp cứu người bệnh ở trong những ngôi nhà trên phố cổ, khoảng cách chật hẹp khiến lực lượng y tế phải nhờ sự trợ giúp từ đội cứu hộ. Nhưng có một câu chuyện dở khóc dở cười mà chị Hạnh nhớ mãi, đó là đi cấp cứu cho một bệnh nhân mắc bệnh tâm thần.
“Khi chúng tôi đến người bệnh khóa trái cửa nhất định không chịu mở cửa. Cuối cùng bệnh nhân đòi quần của tôi, đòi bằng được thì mới chịu hợp tác để ekip đưa đến bệnh viện điều trị. Giằng co 1 hồi lâu, người nhà cũng không thể phá cửa, tôi đã quyết định mượn người nhà 1 chiếc quần và nhường lại quần của mình cho bệnh nhân. Có lẽ đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất suốt 15 năm công tác của tôi”, chị Hạnh kể.
Bác sĩ Hạnh và kíp trực lên đường đi cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Nga |
Vì yêu thích công việc nên vượt qua tất cả
Đây chỉ là một trong những câu chuyện mà các bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội phải đối mặt hàng ngày. Nhớ lại ngày mới nhận nhiệm vụ, chị Hạnh kể có những lần đi cấp cứu lúc 1-2h sáng ở một nơi không có ánh đèn, không có người nhà bệnh nhân, rồi cả những nơi bệnh nhân nằm xung quanh toàn xi lanh, có cả những người nghiện…
“Dù đã xác định tinh thần song lúc đầu mới về 115 Hà Nội công tác tôi cũng rất sốc vì môi trường làm việc linh động, gặp nhiều trường hợp khó khăn, nguy hiểm. Nhưng chú ý bảo đảm an toàn nên tôi nhanh quen với công việc. Lúc cấp cứu chỉ mong làm sao tiếp cận nhanh nhất để cứu sống bệnh nhân”, chị Hạnh giãi bày.
Dịch COVID-19 bùng phát là khoảng thời gian đáng nhớ với chị và cán bộ, nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Phải mặc những bộ đồ bảo hộ nóng nực nên chị và đồng nghiệp ngại ăn uống, ngại cả việc vệ sinh cá nhân. Ca trực 24/24h liên tiếp nhiều ngày khiến mọi người gần như kiệt sức.
Một bệnh nhân bị tai nạn giao thông được ekip trực của bác sĩ Hạnh hỗ trợ vận chuyển đưa đến cơ sở y tế. Ảnh: Trần Nguyên |
Khó khăn, vất vả là thế nhưng khi được hỏi nếu được chọn lại liệu có chọn tiếp tục làm bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không, chị Hạnh tươi cười trả lời: “Thật ra không phải ai cũng may mắn để trở thành bác sĩ hay công tác trong ngành y tế, vì thế nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tôi đã phấn đấu để có thể thành bác sĩ. Dù có gặp khó khăn như thế nào đi nữa thì cũng vượt qua hết, vì yêu thích công việc và mỗi khi nhìn thấy những bệnh nhân được mình giúp đỡ càng được tiếp thêm động lực”.
Bác sĩ Hạnh cũng như các y, bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội mong được mọi người hiểu và thông cảm với công việc của mình, hợp tác hơn để công tác cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân được nhanh chóng, kịp thời hơn.
"Là lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, điều đầu tiên là phải đam mê, yêu nghề, công việc này như làm dâu trăm họ, vì thế chỉ mong mọi người thấu hiểu, hợp tác để sớm vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất", anh Lê Trần Nguyên, lái xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, bày tỏ.