'Dở khóc dở cười' khi học sinh làm bài kiểm tra giữa kỳ trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Với bậc tiểu học non nớt, hiếu động, quá trình học trực tuyến xảy ra nhiều “sự cố” dở khóc dở cười, nhất là đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cô Nguyễn Thị Phượng (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, theo quy định, các khối lớp 1, 2, 3 học sinh làm bài kiểm tra giữa kỳ nhưng không lấy điểm tổng kết mà chỉ là khảo sát chất lượng; còn lớp 4, 5 thì tính điểm và chấm thành điểm số để xếp loại.

Tuỳ vào môn học mà có cách kiểm tra khác nhau. Ví dụ những môn trắc nghiệm, học sinh làm trên phần mềm gửi bài kiểm tra qua zoom cho cô giáo. Bình thường khi học, học sinh chỉ cần 1 thiết bị để học, nhưng khi làm bài kiểm tra thì giáo viên yêu cầu có thêm 1 thiết bị giám sát, tránh gian lận. Còn với phần trả lời tự luận hoặc thi đọc hiểu học sinh viết rồi phụ huynh mang bài đến nộp ở cổng trường để vào hộp ghi tên lớp.

Qúa trình làm bài kiểm tra, theo cô Phượng, các lớp thi bằng phần mềm Azota, Classkick… thì có lúc mạng lỗi không mở được. “Có những phụ huynh khi chụp lại bài của con lại chụp thiếu nội dung hoặc khi nộp bài trực tuyến giáo viên sẽ điểm danh từng bạn để thu bài thấy mẹ vừa nhắc đúng sai thì cô đều liên lạc, nhắc nhở”, cô Phượng kể lại những "sự cố" khi học trò làm bài kiểm tra.

Việc kiểm tra trực tuyến khiến nhiều học sinh, phụ huynh “toát mồ hôi hột”. Chị Nguyễn Vinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, cô giáo yêu cầu học sinh phải ngồi ngay ngắn khi làm bài kiểm tra trực tuyến. Trong nhóm lớp có phụ huynh cho biết con đã khóc rất nhiều sau khi làm bài vì lo sợ phạm quy do con lỡ "quay người vì mỏi", có bé không làm được bài vì căng thẳng.

Có bé lớp 1 ngồi nghịch, cha mẹ nhắc mới vội vàng làm bài. Lại có bé vừa làm vừa khóc hoặc không chịu làm bài tiếp vì bố mẹ mắng...

Có con học lớp 4 và lớp 7, anh Lê Văn Sử (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, học sinh lớn học trực tuyến đã vất vả, còn với bậc tiểu học thì còn mệt hơn gấp bội.

Anh quan niệm, học tiểu học đáng lẽ được cô cầm tay dạy viết, sai chỗ nào sửa chỗ đó trẻ mới nhớ nhưng giờ lại học trực tuyến nên giáo viên rất khó “chỉnh”. Hơn nữa, khi làm bài kiểm tra, mạng internet chập chờn mất tín hiệu hay nghẽn mạng nên thời gian thời gian làm bài bị ảnh hưởng.

“Những thao tác trên máy tính của trẻ nhỏ chưa được thuần thục, bố mẹ phải ở nhà, chụp lại bài kiểm tra của con rồi gửi cho cô theo đường link. Tôi thấy nhiều bạn học trực tuyến lực học yếu hẳn do không tự giác học bài. Theo tôi, kiểm tra chủ yếu là cho có, còn thực tế hiệu quả thì chưa”, anh Sử nêu ý kiến.

Đọc thêm