Khách tiêu ít tiền vì không có gì để mua
Hà Nội nổi tiếng với hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống nhưng tại các điểm đến của Hà Nội lại thiếu những sản phẩm lưu niệm chứa đựng “hồn cốt” của mảnh đất ngàn năm. Đâu đâu cũng thấy bày bán bưu ảnh, đồ gốm sứ, mây tre đan, vải lụa, áo phông sản xuất theo kiểu “gạch bông”. Du khách trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô rất khó lòng chọn được một sản phẩm lưu niệm như ý.
Nếu một bức tranh thêu của Lào có thể lưu giữ được 10 năm mà màu sắc và chất liệu vẫn rất đẹp, hay những con búp bê gỗ Matryoska của Nga nổi tiếng khắp thế giới có thể lưu giữ qua vài thập kỷ… thì những bức tranh thêu bằng thổ cẩm của Hà Nội không được bao lâu nhìn vào đã rất cũ kỹ. Còn với những đồ mây tre đan thì dễ bị mốc hoặc hư hỏng… Đồ gốm sứ thì rất dễ vỡ và cồng kềnh, khó vận chuyển nên khách du lịch nhiều khi thích chỉ để xem chứ mua về nước làm quà tặng lại rất ít.
Một số sản phẩm nói lên con người đất nước Việt Nam như áo dài truyền thống, nón lá, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, tranh thêu… bị “cài cắm” xuất xứ từ Trung Quốc hoặc là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng xếp xen kẽ. Thậm chí, ngay tại hai làng nghề nổi tiếng nhất Hà Nội là gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc cũng bị pha trộn đồ Trung Quốc. Chỉ cần sản phẩm lưu niệm nào đẹp và rẻ, tiểu thương sẵn sàng nhập về mà không quan tâm nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Phạm Trung Lương - Viện Phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho hay: “Có một món quà lưu niệm mang tính chất biểu trưng của Thủ đô là điều mong mỏi của giới lữ hành từ rất lâu. Bởi nó không chỉ mang tới lợi nhuận về kinh tế mà còn mang tới lợi nhuận quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới”.
Trên thực tế, số tiền mà khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam vẫn còn quá thấp khoảng hơn 110 USD/ ngày, trong khi ở các nước khác, họ chi tiêu 1.500 USD (gấp hơn 10 lần). Hầu hết các chuyên gia du lịch đều cho rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sản phẩm lưu niệm của Việt Nam còn quá nghèo nàn và thiếu đặc trưng riêng nên không kích thích được du khách mua sắm.
Đó là chưa kể, mỗi năm có khoảng 3- 4 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội. Nếu chúng ta cũng có một món đồ lưu niệm thật độc đáo để bất cứ khách nào đến Hà Nội cũng muốn mua và trưng bày ở nhà thì hiệu quả quảng bá sẽ lớn đến mức nào. Chỉ cần mỗi vị khách quảng bá cho 1 người thôi, mỗi năm chúng ta đã có thêm được số khách tương đương đến với Hà Nội.
Sản phẩm lưu niệm đoạt giải bị xếp xó?
Cách đây 5 năm, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch tìm ra sản phẩm có tính biểu tượng đặc trưng làm quà lưu niệm cho khách du lịch, vừa đảm bảo tính gọn nhẹ để du khách dễ dàng mang theo lại vừa làm nổi bật nét văn hóa của địa phương. Trong suốt thời gian đó, có lẽ chỉ có Hội An thành công với sản phẩm du lịch: đèn lồng, áo dài… Còn lại, các tỉnh, thành khác đều “im hơi, lặng tiếng”.
Ví như Hà Nội, sau nhiều lần phát động cuộc thi, chọn mẫu, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã chọn biểu tượng “Khuê văn các” tại Văn Miếu làm biểu tượng du lịch Hà Nội.
“Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên nhiều đơn vị làm du lịch tại Thủ đô chưa biết biểu tượng này, chính vì vậy cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là ở các làng nghề để xây dựng đồ lưu niệm bằng các chất liệu sao cho vừa đẹp, vừa gọn nhẹ và đặc biệt là có tính đặc trưng để du khách có thể mang thuận tiện khi xuất cảnh. Bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh truyền thông, để du khách có thể nhận diện đó là đặc trưng của Hà Nội và sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm đó làm quà” - ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết. Và tới nay, biểu tượng “Khuê văn các” vẫn bị lẩn khuất hay bị phủ bụi trong kho.
Một lần nữa, ngành Du lịch Hà Nội lại phát động cuộc thi “Sáng tạo mẫu quà lưu niệm mang dấu ấn Thủ đô Hà Nội” kéo dài đến hết ngày 10/10/2016. Ban tổ chức chọn lựa những mẫu sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn Thủ đô Hà Nội tiêu biểu, mang tính ứng dụng để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ du khách, người dân đến Hà Nội có cơ hội sở hữu những món quà lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa Thủ đô Hà Nội. Những món quà lưu niệm đó sẽ đồng hành trong hành trình cuộc sống của mỗi người yêu Hà Nội.
Tuy nhiên, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Việc tìm ra sản phẩm du lịch mang “hồn cốt” mảnh đất ngàn năm không thể là việc riêng của ngành Du lịch mà còn là trách nhiệm của ngành Công Thương, Hiệp hội Làng nghề, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Nếu không có sự chung tay của các sở, ban, ngành, việc tìm ra mẫu sản phẩm lưu niệm đoạt giải nhất cũng chỉ… xếp vào kho rồi bị chìm vào quên lãng như những cuộc thi “sáng tạo mẫu quà lưu niệm” ở một số tỉnh, thành khác mà thôi.
KTS. TS Thu Hạnh- Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững nhận định: “Chúng ta chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho sản phẩm lưu niệm cả về “chất xám” và tài chính.
Chúng ta vẫn giữ thói quen copy, ăn sẵn những mẫu sản phẩm có sẵn, điều này khiến cho chúng ta không bao giờ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nhất của sản phẩm lưu niệm, đó là tính độc đáo và bản sắc địa phương. Các mẫu quà tặng thời gian qua chủ yếu dựa vào lực lượng tư nhân vừa thiết kế, vừa sản xuất nên thực sự chất lượng chưa được đảm bảo”. Sản phẩm du lịch Thủ đô bị “thua ngay sân nhà”, điều này chứng tỏ sự thiếu nhạy bén của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như các làng nghề truyền thống ở Hà Nội.