Không gian xanh - Giải pháp cho đô thị Net Zero
Sự gia tăng dân số, mở rộng đô thị thiếu kiểm soát và gia tăng phương tiện cá nhân đã làm trầm trọng thêm tình trạng phát thải khí nhà kính, gây hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Việc quy hoạch và phát triển không gian xanh (KGX) không chỉ giúp giảm nhiệt độ đô thị, hấp thụ khí nhà kính mà còn cải thiện chất lượng không khí và chất lượng sống cho cư dân. KGX bao gồm công viên, cây xanh trên hè phố, thảm cỏ, hồ nước và các khu vườn trong đô thị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cây xanh có khả năng hấp thụ khí độc, tạo bóng mát, điều hòa nhiệt độ và giảm thiểu tác động của nắng nóng khắc nghiệt, giúp con người giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tinh thần. Cụ thể, theo nghiên cứu, cây xanh có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 2 - 5%, đồng thời tăng độ ẩm và giảm tác động của bức xạ mặt trời. Không chỉ giúp điều hòa vi khí hậu, KGX còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cư dân đô thị. Việc tiếp xúc với thiên nhiên giúp con người giảm căng thẳng, tăng sự gắn kết cộng đồng và khuyến khích các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe.
Tuy nhiên, tỷ lệ KGX tại các đô thị Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 2 - 3m²/người, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 10m²/người theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Điều này đòi hỏi chính quyền các đô thị phải có chiến lược dài hạn trong việc quy hoạch và phát triển cây xanh. Việc trồng cây phải được thực hiện bài bản, đảm bảo chọn đúng loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái và có khả năng chống chịu tốt trước thiên tai.
Những năm gần đây, các đô thị lớn tại Việt Nam đều nỗ lực tăng cường cây xanh qua các chương trình như trồng một triệu cây xanh. Đơn cử, tại Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu khi bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát đã làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí và mất cân bằng nhiệt đô thị. Sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông, các công trình xây dựng dày đặc cùng thói quen sử dụng điều hòa liên tục đã góp phần làm nhiệt độ thành phố tăng cao.
Thực tế cho thấy tỷ lệ KGX tại Hà Nội vẫn ở mức thấp. Hệ thống công viên và cây xanh chưa được phát triển đồng bộ, nhiều dòng sông trong nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu vẫn ô nhiễm nặng nề. Hậu quả từ các cơn bão gần đây cũng cho thấy những bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý cây xanh. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và 500.000 cây giai đoạn 2021 - 2025 dù đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Để xây dựng đô thị xanh, nhiều kiến trúc sư đã hiến kế Hà Nội cần có cách tiếp cận toàn diện hơn. Bên cạnh việc trồng cây và mở rộng KGX, thành phố cần cải tạo các khu vực bị bỏ hoang, tận dụng các dự án treo để phát triển công viên, vườn cộng đồng. Các khu vực như Phúc Xá, Phúc Tân ven sông Hồng đã trở thành những ví dụ điển hình về việc chuyển đổi không gian nhếch nhác thành KGX hữu ích. Đồng thời, chính quyền cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình phát triển hạ tầng xanh.
Cùng với đó, việc kết hợp KGX vào các công trình kiến trúc, như văn phòng xanh, tòa nhà sinh thái và khu dân cư sinh thái sẽ góp phần giảm tiêu thụ năng lượng, nâng cao chất lượng sống của người dân. Thực tế, các đô thị hiện đại trên thế giới như Singapore, Copenhagen hay Tokyo đều đang hướng tới mô hình đô thị xanh, trong đó cây xanh không chỉ tồn tại trên mặt đất mà còn được đưa lên mái nhà, ban công và các không gian sinh hoạt. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang hướng tới việc giảm phương tiện cá nhân, thúc đẩy giao thông công cộng và tạo ra đô thị xanh bền vững. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, thành phố có thể trở thành “tấm gương” về cải thiện môi trường sống đô thị, góp phần giúp quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu Net Zero.
Việc phát triển KGX không thể chỉ dựa vào nỗ lực của chính quyền mà cần có sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Chính quyền đô thị cần ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng xanh, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và duy trì không gian xanh. Bằng cách kết hợp giữa chính sách, công nghệ và ý thức cộng đồng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia có thể từng bước hiện thực hóa mục tiêu đô thị Net Zero, đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho thế hệ tương lai.
Công dân bền vững - Nhân tố cốt lõi
Trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, xu hướng công dân bền vững được xem là một trong những yếu tố thiết yếu để phát triển đô thị Net Zero. Rõ ràng, một thành phố bền vững không thể tồn tại nếu người dân không có ý thức bảo vệ môi trường. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về chính phủ hay doanh nghiệp, mà là trách nhiệm, ý thức tự giác của từng cá nhân trong xã hội.
|
Tỷ lệ KGX tại Thủ đô Hà Nội còn thấp, tình trạng ô nhiễm không khí thường xuyên xảy ra. (Ảnh: CNN) |
Tháng 1/2025, Dự án Công dân bền vững (DSCP) đã được khởi xướng tại TP Hồ Chí Minh nhằm khuyến khích tư duy sáng tạo và kết nối cộng đồng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Dự án này hướng tới xây dựng nền tảng hợp tác giữa cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, giúp kiến tạo một cộng đồng có trách nhiệm hơn với môi trường. Theo bà Dương Tường Nhi, nhà sáng lập Cộng đồng Design Thinking, những người có ý thức về mối quan hệ giữa môi trường, kinh tế và xã hội, đồng thời chủ động tìm kiếm giải pháp để tạo ra thay đổi tích cực. Dự án DSCP cũng đưa ra 5 hành trình giúp mỗi cá nhân từng bước trở thành công dân bền vững, từ trải nghiệm du lịch xanh, thay đổi lối sống, đến sáng tạo và đóng góp giá trị cho cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT HSTC Fund cho biết, khái niệm công dân bền vững đã được hơn 50 chuyên gia và học giả trong nước xây dựng. Dưới góc độ một nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân cần giảm thiểu dấu chân carbon của mình xuống mức Net Zero để cùng doanh nghiệp và tổ chức thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải đến năm 2050. Đồng tình, TS. Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP HCM (HUIT) cũng từng nhận định xây dựng thế hệ công dân bền vững là một trong những yếu tố cốt lõi thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
|
Trong hành trình hướng tới Net Zero, các đô thị giảm phát thải là một trong những mục tiêu trọng yếu. Tuy vậy, thiết lập các đô thị Net Zero không đơn giản là “bài toán” công nghệ hay quy hoạch mà còn là câu chuyện của từng cá nhân. Một đô thị bền vững không thể hình thành nếu công dân không có ý thức bảo vệ môi trường và chủ động giảm dấu chân carbon của mình. Từ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải đến tích cực tham gia các sáng kiến xanh, mỗi hành động nhỏ đều tạo ra tác động lớn khi được nhân rộng trong cộng đồng. Những sáng kiến mới đang mở ra cơ hội kết nối giữa cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm hơn với môi trường đô thị. Khi công dân bền vững trở thành tiêu chuẩn chung của xã hội, đô thị Net Zero không còn là một mục tiêu xa vời, mà sẽ trở thành hiện thực. Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 và cuộc hành trình này cần sự chung tay của tất cả mọi người - từ Chính phủ, doanh nghiệp đến từng cư dân đô thị.