Đoan Hùng (Phú Thọ): Đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch 18 bến thủy nội địa

(PLVN) -  Theo UBND huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, trong nhiều năm qua, mực nước trên sông Lô và sông Chảy đã bị xuống thấp. Các bên bãi có nền đất yếu dễ sụt lún gây sạt lở, hoạt động vận tải trên các tuyến sông này gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả.
Bến bãi của công ty CPĐT và TM Huy Hoàng tại xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng đã hết hạn hoạt động từ 15/01/2021 những vẫn ngang nhiên hoạt động (Ảnh: Ngọc Phúc)
Bến bãi của công ty CPĐT và TM Huy Hoàng tại xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng đã hết hạn hoạt động từ 15/01/2021 những vẫn ngang nhiên hoạt động (Ảnh: Ngọc Phúc)

Trong văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng đã đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch 18 bến thủy nội địa đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo báo cáo của UBND huyện Đoan Hùng, hiện trên địa bàn huyện có 32 bến thủy nội địa dọc theo 2 bờ sông Lô và sông Chảy. Qua kiểm tra, rà soát có 13 bến (sông Chảy: 01 bến; sông Lô: 12 bến) đã được công bố hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 06 bến còn hạn cấp phép công bố hoạt động; 07 bến hết hạn cấp phép công bố hoạt động.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Văn bản số 1213/SGTVT-QLGT ngày 10/5/2023 của sở Giao thông vận tải, UBND huyện đã ban hành Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn huyện.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu trên địa bàn huyện.

Qua kiểm tra cho thấy, trên khu vực sông Chảy, có 17 tổ chức, các nhân nằm trong Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn xã Hùng Xuyên, xã Phú Lâm và thị trấn Đoan Hùng.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra các đơn vị trên không có hoạt động đường thủy nội địa do mực nước sông xuống thấp, lòng sông hẹp và các tổ chức, các nhân không hoạt động.

Trên Sông Lô, có 16 tổ chức, cá nhân (trong đó: 15 tổ chức, cá nhân trong quy hoạch bến thủy nội địa; 01 tổ chức không trong quy hoạch bến thủy nội địa).

Qua quá trình kiểm tra một số tổ chức, cá nhân vi phạm về các lĩnh vực: Đất đai, đê điều; phòng, chống thiên tai; khai thác bến thủy nội địa.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng đề xuất xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân vi phạm trên với tổng số tiền là 790.000.000 đồng.

Loạt bến bãi hoạt động san sát nhau tại xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng, có những bến đã hết hạn hoạt động từ 2020 nhưng vẫn hoạt động (Ảnh: Ngọc Phúc)

Loạt bến bãi hoạt động san sát nhau tại xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng, có những bến đã hết hạn hoạt động từ 2020 nhưng vẫn hoạt động (Ảnh: Ngọc Phúc)

Theo UBND huyện Đoan Hùng, bên cạnh các yếu tố chủ quan dẫn đến một số tồn tại trong công tác quản lý hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn, một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến hoạt động này là do mực nước trên sông Chảy và sông Lô trong nhiều năm qua xuống thấp, các bến bãi có nền đất yếu dễ sụt lún gây sạt lở.

Điều này, đã khiến việc trung chuyển vật liệu từ tàu thuyền lên bờ và ngược lại gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là khu vực sông Chảy, do mực nước xuống thấp, lòng sông hẹp, dẫn đến nhu cầu vận tải bốc xếp hàng hóa trên tuyến sông này không có hiệu quả cao.

Chính vì vậy, huyện đã đề xuất UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 18 bến thủy nội địa đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2657/QĐ-UBND ngày 11/10/2017.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hoạt động bến thủy nội địa hoàn thiện các thủ tục; đặc biệt là vấn đề liên quan đến đất đai, cấp phép hoạt động, đê điều và phòng chống thiên tai.

UBND huyện cũng đề xuất tỉnh đồng ý chủ trương cho các tổ chức, cá nhân được thuê phần diện tích đất ngoài diện tích được giao đến mép nước hiện trạng để đảm bảo hoạt động của bến, bãi được thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đọc thêm