Hơn 10 tháng nay, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Đầu tư khoáng sản & Thương mại Bình Thuận (Cty Khoáng sản Bình Thuận) cùng Ban Giám đốc tất tưởi chạy khắp các “cửa” mong tìm cách “giải cứu” hơn 900 tấn quặng Zircon đang bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tạm giữ trong khi nguy cơ phá sản đã đến ngay trước mắt….
|
Sản xuất quặng titan tại Bình Thuận. |
“Nhầm” quyết định xử phạt?
Theo hợp đồng kinh tế số 04/XK và số 05/XK với đối tác nước ngoài, đầu tháng 3/2011, Cty khoáng sản Bình Thuận làm thủ tục hải quan xuất khẩu 900 tấn Zircon, vận chuyển trên tàu Hải Bình 9 với tổng giá trị hợp đồng là 420 nghìn USD, tương đương gần 8,5 tỷ đồng. Khi số quặng đang được chở trên biển thì bị Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3) kiểm tra, tạm giữ cả tầu lẫn số hàng trên trong thời gian 60 ngày với lý do: Hàng không được phép xuất khẩu, chỉ được sử dụng làm nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước.
Biết tin, Cty Khoáng sản Bình Thuận cử ngay cán bộ chuyên trách xuất trình mọi thủ tục, giấy tờ liên quan kể cả giấy chứng nhận hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 giám định. Thực tế, quặng zircon là mặt hàng được phép xuất khẩu có điều kiện theo Thông tư hướng dẫn xuất khẩu số 08/2008/TT-BCT ngày 18/6/2008 của Bộ Công thương.
Do đó, ngày 12/5/2011, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, khẳng định: Việc Hải đội 3 không cho phép xuất khẩu lô hàng 900 tấn của Cty Khoáng sản Bình Thuận do không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là thực hiện đúng nội dung Thông tư, đề nghị Tổng cục Hải quan giải quyết cho Cty khoáng sản Bình Thuận nhận lô hàng về chế biến lại, đảm bảo tiêu chuẩn và tiếp tục được xuất khẩu cũng như cung cấp cho các DN trong nước.
Bất ngờ, ngày 2/6/2011, Hải đội 3 lại ra Quyết định số 01/QĐ-HĐ3 xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan 12,5 triệu đồng đối với Cty Khoáng sản Bình Thuận và tịch thu toàn bộ lô hàng 900 tấn tinh quặng zircon. Cty Khoáng sản Bình Thuận phải gửi văn bản đến khắp các bộ, ngành “kêu cứu” và đến ngày 24/11/2011, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) ra Quyết định số 26/QĐ-ĐTCBL sửa đổi Quyết định xử phạt hành chính số 01/QĐ-HĐ3 bằng hình thức: Phạt 17,5 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là đình chỉ xuất khẩu lô hàng trên vì đã có hành vi xuất khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ phá sản
Tuy đã “sửa sai” nhưng quyết định mới lại không nói gì đến việc trả lại 900 tấn zircon cho Cty Khoáng sản Bình Thuận. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT Cty Khoáng sản Bình Thuận - cho biết: “Kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều công sức chưa kể đến những thiệt hại do nhầm lẫn của hải quan mà giờ đây chỉ muốn lấy lại hàng để gia công cho đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho khách hàng cũng không được”.
Được biết, trước khi có Quyết định số 26/QĐ-ĐTCBL, ngày 14/9/2011, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế - chức vụ (C46) Bộ Công an nói rất rõ về vụ việc này. Theo đó, Cục điều tra chống buôn lậu dự kiến chỉ đạo theo hướng phạt Cty Khoáng sản Bình Thuận về hành vi xuất khẩu hàng hóa không đủ điều kiện xuất khẩu và trả hàng hóa giao cho DN. Theo ông Nguyễn Thành Long, như thế là phù hợp với pháp luật và DN chấp thuận điều này.
Vấn đề đặt ra là, hậu quả việc nhầm lẫn trong xử lý 900 tấn zircon ai phải gánh chịu khi mức độ thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng? Theo tính toán của đương sự, ngoài 460 triệu mà DN này phải trả cho chủ tàu do bị giữ trong 3 tháng và các chi phí đi lại ăn ở, làm việc với Hải đội 3, C46, Bộ Công Thương … thì nặng nhất là do chậm giao hàng, phía đối tác đang đòi bồi thường 10% giá trị hợp đồng/tháng chưa kể tiền kho bãi, lãi suất ngân hàng trong suốt thời đã lên đến hàng tỷ đồng.
Đến nay, đã quá 10 tháng thì Cty Khoáng sản Bình Thuận còn có nguy cơ phải đền 100% giá trị hợp đồng (khoảng 8,5 tỷ đồng). trong khi chưa biết đến ngày nào được nhận lại hàng. Ông Nguyễn Thành Long cho rằng: “Nếu tình trạng này kéo dài, DN phải chịu những khoản lớn như vậy thì chúng tôi có nguy cơ phá sản bởi chưa biết lấy khoản nào đền bù hợp đồng cho đối tác”.
Chưa hết, tại buổi làm việc ngày 30/11/2011, Hải đội 3 lại có đề nghị Cty Khoáng sản Bình Thuận hỗ trợ thêm một khoản kinh phí trong việc chi trả những phát sinh trong quá trình xử lý như xếp dỡ, kho bãi lưu giữ hàng hóa, giám định…Đề nghị Tổng cục Hải quan sớm xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại không đáng có, giúp DN khắc phục hậu quả, tránh rơi vào tình trạng phá sản…
Đoàn Công