Doanh nghiệp BOT giao thông: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra...”

(PLVN) - Trong số doanh nghiệp BOT giao thông, có doanh nghiệp doanh thu rất cao, ổn định, trong khi đó có doanh nghiệp thu không đủ chi…
Ảnh minh họa

Tại một tọa đàm mới đây bàn về vấn đề BOT giao thông ở Việt Nam, ông Lê Kim Thành- Vụ trưởng Vụ Đối tác Công – tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, hiện cả nước đang có hàng trăm doanh nghiệp (DN) BOT giao thông. Trong quá trình phát triển BOT, có những tồn tại, bất cập đang cần tiếp tục được hoàn thiện.

Ông Thành dẫn thống kê của Bộ GTVT, trong số 65 dự án BOT giao thông được triển khai thì có đến 20 dự án có bất cập. Trong 20 dự án  đó có 14 dự án cơ bản đã được giải quyết, còn 6 dự án, do những đặc thù riêng chưa được giải quyết. “6 trạm này nhà đầu tư chưa có doanh thu, DN rất khó khăn”- ông Thành nói.

Cũng theo lãnh đạo Vụ PPP, năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid -19, đa số các DN BOT đều rơi vào tình trạng khó khăn do lưu lượng xe ít, phương án tài chính bị phá vỡ, kế hoạch tăng phí không được thực hiện theo hợp đồng; nhiều tuyến BOT lưu lượng xe thấp hơn dự kiến do địa phương thay đổi quy hoạch; chính sách ưu tiên xe người địa phương… 

Chia sẻ khó khăn về doanh thu BOT, ông Phan Văn Thắng- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, qua kinh nghiệm triển khai các dự án BOT, Đèo Cả nhận thấy có nhiều chính sách thay đổi làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Đặc biệt có việc một số cam kết của Nhà nước không được thực hiện hoặc chậm được thực hiện, khiến DN gặp khó khăn, nhất là các cam kết về số vốn hỗ trợ, thời gian tăng thu phí…. 

Theo ông Thắng, năm 2020 vừa qua, nhiều tuyến cao tốc do Đèo Cả làm chủ đầu tư giảm lưu lượng xe so với dự báo, khiến doanh thu thu không đủ chi, phá vỡ phương án tài chính DN, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn.

Theo ông Nguyên Xuân Quang- Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO, chủ đầu tư dự án BOT quốc lộ 91, quá trình thực hiện dự án DN gặp nhiều khó khăn do chính sách thay đổi. Dự án phải bỏ đi 1 trạm BOT. “Chúng tôi phải vay khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong khi đó kiểm toán lại nói chỉ hơn 1.500 tỷ đồng đủ cơ sở thanh toán”- ông Quang bức xúc. Cũng theo DN này, hiện lưu lượng xe của dự án này thấp hơn nhiều so với tính toán trước đây, thu không đủ chi khiến DN gặp khó khăn.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36, chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 6 và Quốc lộ 19 cho biết, công ty làm một dự án lên Tây Bắc, một dự án lên Tây Nguyên. Theo ông Giáp, khi thực hiện hai dự án này, ngoài yếu tố kinh doanh thì còn vì yếu tố chính trị, lịch sử. DN này cho biết, khi thực hiện dự án Quốc lộ 19, trạm phải đặt ở cuối tỉnh Bình Định và gần Gia Lai. Sau đó, Gia Lai  quy hoạch lại, mở đường mới gần trạm BOT này, vô tình giúp các xe khác “tránh” trạm thu phí.

Trong khi đó, BOT tại Quốc lộ 6 của Tổng 36 trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, nhiều lần phải dừng thu phí do quy định chồng chéo, người dân phản ứng. Theo ông Giáp, mỗi năm Tổng Cty 36 phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các dự án BOT. Lãnh đạo Tổng Công ty 36 đề nghị, đường nào đầu tư BOT, đường nào đầu tư theo hình thức khác cần được bàn bạc, cân nhắc để tránh hiện tượng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xem xét lại toàn diện các dự án BOT, để dự án nào gặp khó khăn thì Nhà nước có chính sách chia sẻ, dự án nào doanh thu tốt thì cần kiểm toán, giảm thời gian thu phí.

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Văn Khôi- Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành, chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, DN của ông không chỉ làm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ mà còn thực hiện một số dự án BOT khác và chung cảnh thiếu hụt doanh thu. Riêng dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có lưu lượng xe tốt, doanh thu ổn định. Ông cũng cho rằng dự án cứ thu đủ là trả sớm cho Nhà nước, thu ít thì trả muộn, không được hơn các dự án BOT khác.

Đọc thêm