Ngay sau khi Cục Thú y - Bộ NN&PTNN công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, đến lượt Hải Phòng có lợn bị nhiễm dịch bệnh này. Đến ngày 23/2 đã phát hiện lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Lê Văn Thanh (thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Tổng số đàn lợn của ông Thanh có 48 con lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn của hộ chăn nuôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy 5 bệnh phẩm (3 mẫu phủ tạng và 2 mẫu máu) lấy tại hộ ông Thanh dương tính với vi rút Dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Trước tình trạng dịch có dấu hiệu lan nhanh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và một số tỉnh đã có các chỉ đạo chỉ thị về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch.
Tại thị trường các tỉnh phía Nam, theo khảo sát của phóng viên, tại hai chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (quận 8), thông thường mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 con lợn mảnh nhưng hiện giảm còn khoảng 6.000-6.500 con. Giá thịt lợn mảnh hồi đầu tuần ở mức 72.000-73.000 đồng/kg, nay giảm còn 62.000-68.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn được dự báo dao động mạnh trong thời gian tới. Ảnh: HT |
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM, địa phương là nơi tiếp nhận rất nhiều lợn sống và các sản phẩm từ lợn đưa vào chế biến và tiêu thụ. Vì vậy tình trạng chuyển lợn từ Bắc vào Nam để tiêu thụ rất dễ xảy ra, dẫn đến nguy cơ phát dịch. Thông tin từ Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP HCM, hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 con lợn được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào khu vực phía Nam. Trong đó số lượng lớn lợn được chuyển từ miền Bắc vào các lò giết mổ ở Long An, và một số tỉnh miền Tây rồi chuyển về TP HCM tiêu thụ...
Do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại các tỉnh phía Nam lớn nên nhiều ngày qua, tuy giá thịt lợn có giảm nhưng giảm nhẹ. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ đầu tuần qua, giá thịt lợn hơi bắt đầu có dấu hiệu giảm, hiện giá xuất chuồng còn 50.000-52.000 đồng/kg. Trong khi đó giá lợn tại các tỉnh, thành phía Bắc chỉ từ 43.000 - 45.000 đồng/kg, như vậy chênh lệch tới 7.000 đồng/kg.
Theo nhận định của ông Đoán, giá lợn hơi giảm có thể do nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào TP HCM tiêu thụ khá nhiều với mức giá thấp. Giải thích về điều này, ông Đoán cho rằng do có thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh nên người nuôi lo ngại bán tháo khiến giá lợn giảm nhanh.
Báo cáo từ Chi cục Thú y TP HCM, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 10.000-11.000 con lợn, tương đương 750-800 tấn thịt lợn. Hiện có 4.374 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn hơn 300.000 con trên toàn địa bàn.
Về phía các DN, đại diện Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, nếu giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng tới cả DN và người chăn nuôi rất lớn. Để chủ động phòng tránh, đàn lợn do DN này quản lý sẽ được chăm sóc, kiểm tra và vệ sinh thường xuyên. Đối với các hộ chăn nuôi được bao tiêu, chủ hộ sẽ được phổ biến thông tin về dịch bệnh để phòng tránh.
Trong khi đó, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường giám sát, cách ly các khu nhập lợn mới và lợn xuất chuồng để theo dõi sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập lợn. Đơn vị cũng giám sát sức khỏe toàn đàn lợn hàng ngày, để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này. Đại diện DN này cho biết, DN cũng kết hợp chặt chẽ với thú y để giám sát lợn ở các hộ nuôi, đồng thời, kiểm dịch đúng quy định khi lợn xuất chuồng. Ngoài ra, các khu giết mổ cũng sẽ được giám sát chặt chẽ hơn và kiểm tra chi tiết.