Ông Võ Trọng Việt Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội phản ánh tại phiên họp hôm qua (20/3) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.
Lo luật còn giấy phép “con”
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến vấn đề các loại giấy phép “con”, một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khi mục tiêu của luật là cải cách thủ tục hành chính thì Dự thảo Luật quy định khoảng 10 loại giấy phép là không hợp lý, cần rà soát giảm bớt giấy phép, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hạn chế “xin - cho”.
Cùng với đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định thời gian cấp phép và điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu; đưa ra các tiêu chí cụ thể về cấp giấy phép, tiêu chí xác định mặt hàng quản lý theo giấy phép, tổ chức được cấp phép và số lượng hàng hóa được cấp phép trong Dự thảo Luật.
Giải trình vấn đề này, ông Thanh cho biết, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể các thủ tục hành chính. Tại Điều 29 của Dự thảo Luật đã nêu rõ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có thể được quản lý theo giấy phép hoặc theo điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, nhập khẩu mà không kèm theo yêu cầu về cấp giấy phép. Hàng hóa phải thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép là các loại hàng hóa phải đáp ứng một số điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng và các loại giấy tờ, hồ sơ khác, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, cho phép bằng văn bản việc đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu.
Công khai để hạn chế “xin - cho”
Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Dự thảo Luật đã nêu rõ nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước, của thương nhân và phải tuân thủ hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo Quy chế của Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trên cơ sở các nguyên tắc nói trên, của Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có quy định giấy phép, điều kiện nào gắn với hàng hóa nào, phương thức điều hành (cấp giấy phép, không cần giấy phép…) và các văn bản pháp luật có liên quan quy định các giấy phép, điều kiện đó; các điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu được giao các bộ, cơ quan ngang bộ công bố công khai.
Là người nhiều năm gắn bó với vùng biên giới, nắm bắt rõ vấn đề giao thương hàng hóa của nước ta tại các vùng biên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu thực tế: qua tiếp xúc với doanh nghiệp, họ thường phàn nàn và kêu ca với ông hai việc. Việc thứ nhất là có khá nhiều thủ tục giấy tờ, “giấy cha, giấy mẹ, giấy con”. Thứ hai là doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về vấn đề phí và lệ phí “quá nhiều”, nhất là những loại phí “ngoài luật”. Theo ông Việt, chính những biến tướng này làm mất hiệu lực và niềm tin người dân vào luật pháp.
Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động ngoại thương đối với các nước có chung đường biên giới. Có nhiều ý kiến băn khoăn Dự thảo Luật lần này có quản lý việc trao đổi hàng hóa trên biển (xăng dầu, hải sản, than…) hay không? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hoạt động trao đổi hàng hóa trên biển của cư dân khu vực biên giới (Kiên Giang, Quảng Ninh...) đã được thực hiện theo quy định hiện hành từ nhiều năm nay.
Trên cơ sở thực tiễn đó, quy định của Dự thảo Luật về thương mại biên giới về hoạt động trao đổi hàng hóa trên biển chỉ được áp dụng đối với cư dân khu vực hai bên biên giới, không áp dụng đối với thương nhân. Thương nhân hoạt động thương mại biên giới thực hiện theo quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp hoạt động trao đổi trên biển trực tiếp giữa các thương nhân mà không thông qua thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật là hoạt động buôn lậu và sẽ được xử lý theo quy định về chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.