Doanh nghiệp đã “đói” vốn thì cũng chẳng màng đến “bữa ăn giá rẻ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Phạm Tấn Công, khi DN đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn...
Doanh nghiệp đã “đói” vốn thì cũng chẳng màng đến “bữa ăn giá rẻ”

Trao đổi tại tọa đàm: "Chính phủ và DN: Đồng hành vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng nay 8/10, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định sau 2, 3 năm dịch thì thường thiếu vốn kinh khủng.

“Phải thống nhất quan điểm ngay từ đầu để thấy được việc bơm vốn cho nền kinh tế là việc phải làm. Bơm bằng cách nào, bơm như thế nào để giữ được an toàn cho kinh tế, đồng thời đảm bảo được tăng trưởng kinh tế? Đấy là điều chúng ta phải rất chú ý…”- Ông lưu ý.

Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng cái vừa là điểm nghẽn vừa là điểm nóng vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn.

“Phải nói vốn là vấn đề trọng yếu đối với DN. Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với DN. Khi DN đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi. Nhiều khi chúng ta nói có ưu đãi lãi suất cho DN nhưng khi người ta đang đói rồi thì người ta không đợi được cái đấy. Do đó chúng ta nhìn thấy quá trình phát triển vừa rồi có thể có những bùng nổ không còn tuân thủ được nữa vì người ta đói quá.…”- Chủ tịch VCCI phân tích.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong điều hành kinh tế, cũng như đối với DN, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được.

“Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này. Giai đoạn COVID-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt. Với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này…"- Ông Kỳ vọng.

Đồng tình khi cho rằng trong cấu trúc tài chính tiền tệ, việc ứng xử của ngân hàng thời gian qua cơ bản là phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay thế giới quá nhiều rủi ro, PGS. TS Trần Đình Thiên đặc biệt lưu ý đến thị trường trái phiếu DN, đồng thời cho rằng vừa rồi Chính phủ đưa ra Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu DN là một nỗ lực theo tinh thần như vậy.

“Làm được Nghị định này đáp ứng được nhu cầu như bây giờ là không dễ vì vừa an toàn lại vừa thỏa mãn cơn khát. Chúng ta phải tiếp tục bàn, nhất là khi đối mặt với nền kinh tế hiện nay và có thể kéo dài hơn nữa, khó khăn chồng chất. Chúng ta muốn dịp này là một dịp để DN Việt có cơ hội phục hồi, trỗi dậy mạnh mẽ thì cần phải đặc biệt chú ý đến cấu trúc phát triển vừa hỗ trợ phát triển thị trường tài chính để phục vụ DN…”- chuyên gia đề nghị.

Ông cũng lưu ý một điều là tình thế bất thường khó khăn thì giải pháp phải khác thường. “Ta cứ tuân theo giải pháp thông thường thì không hỗ trợ được vấn đề. Tôi mong anh Phạm Tấn Công cũng truyền tải cái ý kiến này đến DN cũng như tạo ra luồng ý kiến để kiến nghị lên các bộ phận chức năng thì mới giải quyết được vấn đề…”- PGS. TS Trần Đình Thiên đề nghị.

“Theo tôi, Chính phủ đã đưa ra những thông điệp nhất quán, chúng ta cần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất. Đó là chính sách trong từng thời điểm, chắc chắn là sẽ có sự linh hoạt, có sự ứng phó của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng phải đảm bảo kinh tế vĩ mô. ..”- Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đồng tình

Dưới góc độ DN, bà Diễm cho rằng, ngoài những khó khăn thực sự DN cũng cần hiểu rõ thông điệp của NHNN. “DN chúng ta cần vừa phòng thủ, vừa tấn công, vừa giải quyết bài toán chi phí tăng, tỉ giá, lạm phát, chuỗi cung ứng… Chúng ta cũng phải linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ…”- Đại diện Sacombank quả quyết.

Đọc thêm