Doanh nghiệp đã sẵn sàng…
Trong số 26/29 đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất (3 đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không) có 5 đầu mối có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động là Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, Tổng Cty Xăng dầu Quân đội và Cty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil cho biết, ngay từ cuối năm 2008 khi Chính phủ bắt đầu có chủ trương sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học, PV Oil đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các trạm pha chế xăng E5 đặt tại các kho xăng dầu với tổng công suất pha chế đạt xấp xỉ 1 triệu m3/năm. Tuy nhiên, do diễn biến thị trường quá chậm nên PV Oil mới chỉ sử dụng chưa đến 20% công suất pha chế.
Tính đến nay, trong số hơn 500 cửa hàng xăng dầu do PV Oil trực tiếp quản lý và vận hành trên toàn quốc, có hơn 200 cửa hàng đã bán xăng E5 song song với xăng A92 và A95. Do đó, trước việc đặt mốc thời gian thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 từ 01/01/2018, PV Oil đã tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động, khả năng vận hành của các cơ sở pha chế, phương tiện vận tải cũng như hệ thống cửa hàng xăng dầu.
Trên cơ sở đó, PV Oil tiến hành đầu tư, nâng cấp thiết bị pha trộn, đường ống, bể chứa, các thiết bị đo đếm, phòng thí nghiệm; Nâng cấp đầu tư mới các phương tiện vận tải cũng như súc rửa các bồn bể, máy bơm ở các cửa hàng… với tổng chi phí hơn 100 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt sản lượng khoảng 1,1 triệu m3/năm.
Ông Dương khẳng định, các cơ sở pha chế xăng E5 hiện tại của PV Oil trên toàn quốc cũng như những cơ sở đang được cải tạo nâng công suất hoặc xây dựng mới đều áp dụng công nghệ pha trộn hợp chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về chất lượng xăng E5. Thực tế, trong suốt hơn 4 năm sản xuất và kinh doanh xăng E5 vừa qua, PV Oil chưa gặp sự cố nào về kỹ thuật, chất lượng của xăng E5.
Petrolimex hiện có 5 trạm trộn xăng E5 đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; sử dụng công nghệ trộn in-line liên tục. Tổng công suất đạt khoảng 1 triệu m3/năm. Petrolimex đang nâng cấp một số trạm trộn hiện có và đầu tư thêm các trạm trộn tại Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự kiến tổng công suất phối trộn sau khi nâng cấp và đầu tư thêm đạt khoảng 3-3,4 triệu m3/năm.
Saigon Petro hiện có 2 trạm trộn xăng E5 đặt tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ với tổng công suất khoảng 660.000 m3/năm. Tổng Cty Xăng dầu Quân đội có 3 trạm trộn xăng E5 đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, công suất khoảng 108.000 m3/năm. Cty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu có 1 trạm trộn xăng E5 tại Cần Thơ với công suất 72.000 m3/năm.
Bên cạnh 5 đầu mối đã triển khai hoạt động các trạm trộn xăng E5, có 2 đầu mối đã triển khai trạm trộn nhưng chưa đưa vào hoạt động là Cty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp đầu tư 2 trạm trộn tại Đồng Nai và Cần Thơ, tổng công suất khoảng 172.800-230.400 m3/năm và Tổng Cty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV đầu tư 2 trạm trộn tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, tổng công suất khoảng 576.000 m3/năm.
Như vậy, tổng công suất các trạm trộn xăng E5 từ 5 đầu mối đã triển khai hoạt động sau khi nâng cấp, cải tạo và đầu tư thêm; cộng thêm 2 thương nhân đã triển khai trạm trộn nhưng chưa đưa vào hoạt động đạt khoảng 6,2-6,7 triệu m3/năm, dự kiến sẽ cung cấp số lượng xăng E5 đủ để thay thế toàn bộ lượng xăng A92 đang bán ra thị trường.
... nhưng vẫn lo nguồn cung ethanol
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, trong trường hợp chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng A92 sang xăng E5, dự báo tổng lượng xăng E5 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,357 triệu m3 (một số người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95). Theo dự báo, trong năm 2018 tổng lượng xăng E5 được bán ra và tiêu thụ trên toàn quốc sẽ vào khoảng hơn 5 triệu m3. Do đó, ước tính nhu cầu nguyên liệu E100 để pha chế E5 sẽ vào khoảng 267.850 m3.
Hiện nay, việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 trên chủ yếu từ 02 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Cty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất: 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm) đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (3 triệu tấn) xăng sinh học E5/năm. Như vậy, so với dự toán tổng khối lượng xăng E5 sẽ bán ra thị trường của Bộ Công Thương, nguồn cung ethanol vẫn không đủ để cung cấp.
Đại diện Petrolimex cho biết, Petrolimex đang triển khai tích cực việc nâng cấp các trạm phối trộn để đạt công suất khoảng 3-3,5 triệu m3/năm. Nhưng để đảm bảo có thể thay thế hoàn toàn xăng A92, vị đại diện này khẳng định “cứ có đủ nguồn cung ethanol, chúng tôi sẽ cung cấp đủ lượng xăng E5 ra thị trường”.
Như vậy, vấn đề nguồn cung ethanol vẫn là một điều khiến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lo lắng. Hầu hết các doanh nghiệp mà chúng tôi hỏi ý kiến đều cho rằng, cần phải ổn định nguồn nguyên liệu, điều chỉnh thuế nhập khẩu ethanol để các doanh nghiệp trong nước không độc quyền (gây ảnh hưởng đến giá cả xăng E5) và bảo đảm khi trong nước có vấn đề sẽ nhập khẩu để đảm bảo kinh doanh ổn định.
Tuy nhiên, những đề đạt này đến nay vẫn là một câu trả lời chưa có lời giải đáp bởi các nhà máy nhiên liệu sinh học mà chúng ta có thể trông chờ cung cấp nguồn ethanol đủ lớn đều đang ở tình trạng… chưa khởi động.