Bổ sung hướng dẫn trích lập và xử lý dự phòng rủi ro khác
Thông tư hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi nêu nội dung hướng dẫn việc trích lập và xử lý 4 khoản dự phòng. Đó là: dự phòng do giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, dự phòng tổn thất nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng.
Tuy nhiên, theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, thì ngoài 4 khoản dự phòng trên còn có nhiều khoản dự phòng khác như dự phòng trợ cấp thôi việc, dự phòng sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định định kỳ, dự phòng thực hiện hợp đồng rủi ro lớn, dự phòng hoàn nguyên môi trường…
Đây đều là những khoản chi phí hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp do chưa có hướng dẫn về cách trích lập và xử lý. “Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc hướng dẫn thực hiện trích lập và xử lý các khoản dự phòng rủi ro khác, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp” – văn bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Tài chính đề xuất.
Không xây dựng Quy chế quản lý vật tư – doanh nghiệp có bị xử lý không?
Điều 3.3 của Dự thảo về nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng có quy định “Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hoá, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh, trong đó phải xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng người trong việc theo dõi, quản lý vật tư, hàng hoá, các khoản đầu tư thu hồi công nợ”.
Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn không rõ cơ quan soạn thảo đưa quy định này vào có ý nghĩa gì? Nếu doanh nghiệp không xây dựng quy chế thì có bị xử phạt không? Việc xây dựng quy chế này có phải là một điều kiện để được tính chi phí được trừ từ những khoản dự phòng trích lập không? Vì thế, góp ý dự thảo, các chuyên gia của hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp lý của việc trích lập các khoản dự phòng.
Chứng minh giá gốc hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần: “tài liệu hợp lý” là gì?
Điều 4.3 của Dự thảo quy định: “…nếu doanh nghiệp có tài liệu hợp lý chứng minh trong năm tài chính giá gốc hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thì…”. Quy định này có thể được hiểu rằng khi cơ quan thuế kiểm tra thì doanh nghiệp phải trình được “tài liệu hợp lý” thì khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho mới được công nhận là chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật của VCCI cho rằng, quy định như vậy là gây khó cho doanh nghiệp vì mỗi lần trích lập dự phòng lại phải thu thập, lưu trữ tài liệu chứng minh. Hơn nữa, cụm từ “tài liệu hợp lý” không rõ ràng, chưa minh bạch và rất khó để doanh nghiệp và cán bộ thuế biết đâu là tài liệu hợp lý, đâu là tài liệu không hợp lý.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng doanh nghiệp chủ động xác định giá trị thuần của hàng hoá. Trong trường hợp cơ quan thuế nghi ngờ doanh nghiệp đã xác định giá trị thuần không chính xác thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan thuế.
Cần giao nhiều quyền chủ động cho doanh nghiệp
Điều 4.4.b của Dự thảo quy định khi doanh nghiệp muốn huỷ bỏ, thanh lý hàng tồn kho phải lập Hội đồng hoặc thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá. Quy định này gây những thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp, mà không có nhiều ý nghĩa thực tế, vì các thành viên của Hội đồng đều là người của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp chủ động tiến hành việc huỷ bỏ, thanh lý tài sản.
Tương tự, quy định tại Điều 6.4.đ cũng yêu cầu doanh nghiệp phải lập Hội đồng xử lý nợ và phải có Biên bản. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng doanh nghiệp chủ động tiến hành việc xử lý nợ.
Điều 6.1 của Dự thảo quy định nợ khó đòi là nợ quá hạn ít nhất 6 tháng, hoặc nợ chưa đến hạn nhưng con nợ là tổ chức kinh tế rơi vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, đối tượng mất tích, bỏ trốn, đang bị truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản” đã được thay thế bằng khái niệm “mất khả năng thanh toán” và được hiểu rằng khi con nợ có khoản nợ quá hạn ít nhất 3 tháng. Do đó, nợ khó đòi là khái niệm cần phải xác định rõ trong dự thảo, là khoản nợ quá hạn ít nhất 3 tháng, hoặc tổ chức kinh tế mất khả năng thanh toán, đang làm thủ tục giải thể…