Thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Việt, đây đang là giai đoạn mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, vươn ra thế giới để làm giàu một cách chân chính.

Lợi thế các hiệp định thương mại

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và đàm phán tổng cộng 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, trong đó có 16 FTA đang thực thi, gồm nhiều hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Việt.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Việt.

Theo thống kê, những FTA này đã mở ra cánh cửa thương mại với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Nhờ tận dụng các FTA, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong top 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 405 tỷ USD. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong năm 2024 như xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119 tỷ USD, sang EU đạt 52,1 tỷ USD (tăng 19,3%), sang Canada đạt khoảng 7,5 tỷ USD (tăng 22,7%)…

Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Công ty Vietgo – người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu, việc khai thác các FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà chúng ta có. “Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ còn thiếu thông tin về thị trường cũng như các kỹ năng trong xuất khẩu”, ông Việt nói và cho rằng, dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới thông qua các FTA là rất lớn. “Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp nước ta phát triển, cất cánh. Cơ hội để người Việt Nam làm giàu là rất lớn”, ông Việt khẳng định.

Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có số lượng FTA nhiều nhất trên thế giới, và vẫn đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm. “Đây chính là ‘hàng rào mềm’ nhưng rất hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt giảm phụ thuộc vào Mỹ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu,” ông Việt nhận định.

Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Tuấn Việt, cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đều đang đứng trước những cơ hội rất tốt. “Hiện nay cơ chế của nhà nước là rất tốt”, ông Việt nói và phân tích, ở Việt Nam, cứ lập doanh nghiệp là đủ điều kiện để có thể xuất khẩu. Ngoài ra, thủ tục khởi nghiệp ở Việt Nam cũng rất dễ dàng. “Ví dụ ở Nhật, để khởi nghiệp rất khó. Họ muốn mở một tài khoản USD ở một ngân hàng là rất khó khăn, phức tạp, tốn thời gian, cần phải chứng minh được tài sản, tiền mình có”, vị chuyên gia nói và cho biết, ở Việt Nam, việc kinh doanh, buôn bán được nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện tối đa.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lí. Nước ta có bờ biển kéo dài, nằm trên mặt đường hàng hải quốc tế. Hàng hóa đi ra cảng biển, tiếp cận với thị trường thế giới rất dễ dàng. Đó là lợi thế logistics của Việt Nam. “Có những sản phẩm, nếu không có lợi thế về logistics thì không bán được. Ví dụ như xuất khẩu xi măng, các loại vật liệu xây dựng, than đá cũng như các loại quặng. Đây là những mặt hàng có trọng lượng rất nặng, nếu đi đường bộ, đường hàng không thì cước vận chuyển rất lớn, cần có lợi thế logistics đường biển để xuất khẩu”, ông Việt phân tích.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Việt, thế mạnh của hàng hóa Việt Nam khi tiếp cận thị trường nước ngoài là giá cả, chất lượng. Hiện nay, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng tiêu dùng... rất được thị trường thế giới ưu chuộng cũng là nhờ giá cả và chất lượng.

Việt Nam có lợi thế logistics khi có bờ biển dài, gần đường hàng hải quan trọng quốc tế.

Việt Nam có lợi thế logistics khi có bờ biển dài, gần đường hàng hải quan trọng quốc tế.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Việt, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi ra nước ngoài là kỹ năng thương mại. Ở nước ta, có nhiều công ty sản xuất nhưng có rất ít công ty thương mại để bán những sản phẩm đó đi nước ngoài. Hiện nay ở Việt Nam, chủ yếu các công ty tự sản xuất được hàng hóa thì tự xuất ra nước ngoài. “Trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại thiếu kỹ năng thương mại, thiếu kinh nghiệm xuất khẩu, thậm chí không biết tiếp cận bạn hàng quốc tế qua kênh nào”, ông Việt nói và cho rằng, nếu chúng ta phát triển thêm đội ngũ các doanh nghiệp thương mại để hỗ trợ bán hàng cho các doanh nghiệp sản xuất thì cơ hội phát triển các doanh nghiệp nước ta sẽ tốt hơn.

“Thị trường quốc tế rất rộng lớn, hàng hóa trong nước cũng nhiều, nhưng khâu để tiếp thị, quảng bá, tiếp cận thị trường nước ngoài thế nào thì cần được quan tâm, phát triển thêm”, ông Việt nhận định.

Cần đa dạng hóa thị trường

Liên quan đến rủi ro các nước lớn đánh thuế, chuyên gia Nguyễn Tuấn Việt cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng thêm thị trường, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc vài thị trường duy nhất.

Ông Nguyễn Tuấn Việt cũng nhấn mạnh đến một xu thế mới: Các quốc gia và thị trường đang “đi tìm nhau” để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Điểm trung tâm của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng này sẽ là châu Á – cái nôi sản xuất toàn cầu, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế lớn nhờ nhân công giá rẻ, logistics thuận lợi, nhất là đường biển.

Ông Nguyễn Tuấn Việt làm việc với đối tác nước ngoài, đưa hàng hóa Việt xuất ra thế giới.

Ông Nguyễn Tuấn Việt làm việc với đối tác nước ngoài, đưa hàng hóa Việt xuất ra thế giới.

Một tín hiệu đáng mừng được ông Việt chia sẻ là thời gian qua, Công ty Vietgo của ông đã tiếp nhận hàng loạt đơn hàng từ những thị trường mà trước đây Việt Nam rất khó tiếp cận như Nam Mỹ, châu Phi, Canada… “Sự dịch chuyển nhu cầu này chứng minh rằng thế giới đang thực sự đi tìm nhau, mở ra cơ hội cho Việt Nam vươn ra toàn cầu. Và trong bối cảnh này, doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất. Chúng ta không cần làm gì lớn lao, chỉ cần làm tốt sản xuất, kiểm soát chất lượng và ‘gật đầu’ đúng lúc với đối tác là có thể bắt kịp dòng chảy toàn cầu hóa mới. Đây là thời điểm vàng, và nếu bỏ lỡ, rất khó có cơ hội lần hai,” vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt đang đối mặt với hai “cơn bão” lớn. Thứ nhất là “cơn bão” về chính sách thuế và "cơn bão” cơ hội khi thị trường thế giới tái cấu trúc, tạo ra dòng dịch chuyển mới về thương mại.

“Chúng ta không thể tránh cơn bão đầu tiên, nhưng hoàn toàn có thể ‘đón gió’ từ cơn bão thứ hai để bứt phá. Đây là thời điểm không dành cho sự chần chừ,” vị chuyên gia khuyến nghị.

Đọc thêm