![]() |
- Thưa bà, TTTK có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Bà có thể nói rõ hơn về tầm quan trọng của công tác thống kê trong phát triển KT-XH, hoạch định chính sách?
TS. Nguyễn Thị Hương: Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định rằng: TTTK đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. TTTK là “bằng chứng thực tiễn xác thực” giúp cho việc hoạch định chính sách, định hướng phát triển KT-XH một cách hiệu quả và bền vững. Vai trò quan trọng của TTTK được thể hiện ở những nội dung sau:
TTTK cung cấp bức tranh toàn diện và khách quan về tình hình KT-XH:
TK cung cấp các chỉ số định lượng chính xác và đáng tin cậy về quy mô, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu của nền kinh tế (GDP, CPI, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...), tình hình dân số, lao động, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường... Qua đó, chúng ta có thể đánh giá được thực trạng phát triển KT-XH, những thành tựu, hạn chế và những thách thức đang phải đối mặt.
![]() |
- Số liệu TK theo thời gian giúp nhận diện xu hướng phát triển, các quy luật vận động của nền KT-XH. Điều này cho phép dự báo được những diễn biến trong tương lai và xây dựng những “kịch bản” ứng phó phù hợp;
- Số liệu TK cho phép so sánh tình hình phát triển giữa các vùng miền, giữa các quốc gia, hoặc so sánh với các mục tiêu đã đề ra. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển cho vùng, tỉnh/thành phố cũng như xác định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác;
TTTK là nền tảng cho việc hoạch định chính sách
- Dựa trên các số liệu TK, Đảng, Chính phủ, nhà hoạch định chính sách có thể xác định được những vấn đề bức thiết nhất của đất nước, những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư và phát triển (ví dụ: Tỷ lệ hộ nghèo cao ở vùng sâu vùng xa, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng ở các khu công nghiệp...);
- TTTK cung cấp cơ sở để xây dựng các mục tiêu phát triển KT-XH cụ thể (ví dụ: Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là bao nhiêu, giảm tỷ lệ nghèo xuống mức nào...);
- Các phân tích TK giúp đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách khác nhau, từ đó lựa chọn được những chính sách phù hợp và hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ví dụ, để giảm nghèo, các nhà hoạch định chính sách có thể dựa vào số liệu về thu nhập, cơ cấu chi tiêu, trình độ học vấn của các nhóm dân cư khác nhau để thiết kế các chương trình hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, TTTK giúp giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách; Minh bạch và tăng cường tính giải trình của các cơ quan Nhà nước; tạo và nâng cao niềm tin của người dân vào quá trình quản lý, điều hành đất nước.
- Xin bà cho biết thêm về những thách thức mà người làm công tác TK đang phải đối mặt?
TS. Nguyễn Thị Hương: Trong quá trình thu thập, biên soạn, công bố TTTK, người làm công tác TK còn gặp những khó khăn, thách thức đặc thù như:
Một là, nhu cầu số liệu, TTTK phục vụ Đảng, Nhà nước và các đối tượng dùng tin ngày càng lớn; Nội dung thông tin bao quát toàn bộ đời sống KT-XH; Đòi hỏi số liệu chi tiết theo ngành, thành phần kinh tế, đối tượng phản ánh…; Đặc biệt là TTTK liên quan đến nhóm yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em...
![]() |
Hai là, nhiều tổ chức, cá nhânchưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc cung cấp TTTK, dẫn đến tình trạng cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, hoặc thậm chí từ chối cung cấp thông tin. Hệ thống kế toán, báo cáo của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể còn sơ sài, thiếu chuẩn mực, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin. Ngoài ra, việc tiếp cận các đối tượng TK ở vùng sâu, vùng xa, hoặc các đối tượng đặc thù (lao động tự do, người di cư,...) còn nhiều hạn chế.
Ba là, việc xử lý và phân tích dữ liệu TK phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tính kịp thời, đầy đủ của thông tin, trong khi, quy trình thu thập, xử lý và công bố thông tin còn nhiều khâu phức tạp. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác TK chưa đồng bộ, nhiều trang thiết bị (máy móc, phần mềm...) đã cũ, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời gây khó khăn cho việc lưu trữ, xử lý và chia sẻ dữ liệu TK.
Bốn là, việc tiếp cận và khai thác dữ liệu hành chính phục vụ công tác TK mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.Nguồn dữ liệu hành chính ở Việt Nam hiện đang nằm trải rộng ở tất cả các cơ quan, Bộ, ngành và để tiếp cận, đánh giá cũng như kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu này đòi hỏi phải có quy định, quy chế cũng như mô hình/quy trình khai thác phù hợp.
- Như bà đã trao đổi, việc phân tách số liệu TK theo thành phần kinh tế là một trong những khó khăn, thách thức của cơ quan TK, bà có thể nói rõ hơn về nội dung này?
TS. Nguyễn Thị Hương: Đại hội XIII của Đảng xác định cơ cấu các thành phần kinh tế bao gồm: Kinh tế Nhà nước; Kinh tế tập thể; Kinh tế tư nhân; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; Kinh tế tập thể liên kết phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; Kinh tế tư nhânkhuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoàilà một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong việc huy động vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để thu thập, tổng hợp và phân tách số liệu TK theo các thành phần kinh tế, ngày 13/02/2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BKHĐT quy định phân loại TK theo loại hình kinh tế. Khó khăn, bất cập trước khi ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BKHĐT: Việc chưa rõ về phạm vi, nội hàm của từng loại hình kinh tế dẫn đến khó khăn trong công tác biên soạn số liệu GDP, GRDP theo phân tổ này; Điều tra DN hàng năm chỉ thu thập thông tin về kết quả hoạt động của DN trong năm trước đó. Vì vậy, những chỉ tiêu TK thu thập từ điều tra DN thường không công bố kịp thời phân tổ theo loại hình kinh tế như quy định mà có độ trễ về thời gian;
![]() |
Việc áp dụng phân loại theo loại hình chỉ thực hiện được ở một số chỉ tiêu TK cơ bản và được thu thập chủ yếu qua Tổng điều tra kinh tế, điều tra DN, điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và điều tra vốn đầu tư. Để thu thập được đầy đủ dữ liệu tổng hợp phân theo loại hình kinh tế đòi hỏi phải tiến hành điều tra toàn bộ hoặc cỡ mẫu phải lớn trong khi điều kiện về thời gian, kinh phí và nhân lực không đáp ứng được; Loại hình kinh tế Nhà nước, loại hình kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài thường tập trung ở những DN, tập đoàn, tổng công ty lớn, chi nhánh nằm rải rác các tỉnh. Cục Thống kê phân bổ về cho các tỉnh/thành phố dựa trên nguồn số liệu báo cáo của các tổng công ty, tập đoàn… Việc phân bổ thường chậm nên tỉnh/thành phố không có số liệu đánh giá kịp thời;
Hiện nay, địa phương có nhu cầu sử dụng thông tin phân tổ theo loại hình kinh tế để phục vụ đánh giá đóng góp của từng loại hình kinh tế trong GRDP. Tuy nhiên, việc công bố các chỉ tiêu có phân tổ theo loại hình kinh tế thường có độ trễ. Vì vậy ảnh hưởng đến việc cung cấp, phổ biến thông tin phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành của địa phương và các đối tượng dùng tin; Kết quả công bố các chỉ tiêu TK như GRDP, vốn đầu tư thực hiện, lao động làm việc… phân theo 3 loại hình kinh tế: Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài; Trong khi loại hình kinh tế cá thể và kinh tế tập thể cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn nhưng không được bóc tách riêng giá trị tăng thêm (VA) nên không có cơ sở để tính toán các chỉ tiêu liên quan đến loại hình kinh tế này, ảnh hưởng đến công tác phân tích, đánh giá thực trạng KT-XH và đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển các loại hình kinh tế bị hạn chế, chưa sát với thực tế của từng địa phương.
Về căn cứ và nguyên tắc phân loại TK theo loại hình kinh tế: Một đơn vị kinh tế chỉ được xếp vào một loại hình kinh tế tương ứng căn cứ vào các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên: Quy định của pháp luật hiện hành; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu; Đặc thù của mỗi loại hình kinh tế. Thêm vào đó, việc phân loại TK theo loại hình kinh tế phải đảm bảo các nguyên tắc như: Bảo đảm phản ánh quan điểm của Đảng về thành phần kinh tế; Tuân thủ các quy định của pháp luật; Bảo đảm một đơn vị kinh tế chỉ được xếp vào một loại hình kinh tế; Bảo đảm tính khả thi, kế thừa và được mã hoá thống nhất.
Thông tư số 07/2025/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2025. Để áp dụng phân loại TK theo loại hình kinh tế trong công tác TK trong thời gian tới, theo tôi ngành TK cần phải tập trung thực hiện các công việc sau: Rà soát, xác định danh mục các chỉ tiêu TK có phân tổ theo loại hình kinh tế trong các hệ thống chỉ tiêu TK hiện hành (Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia, hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, hệ thống chỉ tiêu liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và liên kết vùng…); Đối với từng chỉ tiêu có phân tổ theo loại hình kinh tế cần xây dựng phương án để thu thập, tổng hợp, biên soạn, công bố; Đặc biệt là việc lồng ghép việc thu thập thông tin theo loại hình kinh tế trong phương án điều tra, chế độ báo cáo TK hiện hành; Xây dựng kế hoạch, rà soát, biên soạn dãy số liệu có phân tổ theo loại hình kinh tế theo chuỗi thời gian, theo không gian để làm cơ sở cho việc đánh giá thực hiện văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo./.
- Trân trọng cảm ơn bà!
“Nguồn dữ liệu hành chính ở Việt Nam hiện đang nằm trải rộng ở tất cả các cơ quan, Bộ, ngành và để tiếp cận, đánh giá cũng như kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu này đòi hỏi phải có quy định, quy chế cũng như mô hình/quy trình khai thác phù hợp”.
(TS. Nguyễn Thị Hương)