Doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc phải có mức vốn 5 tỷ đồng

(PLVN) - Doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải có mức vốn 5 tỷ đồng, đảm bảo bảo vệ tốt nhất cho người lao động, dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro. 

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 08 Chương và 76 Điều giảm 03 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (bãi bỏ 05 Điều, bổ sung mới 01 Điều và tách 02 Điều).

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Quochoi.vn) 

Đáng chú ý, về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10), một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng khái niệm "vốn chủ sở hữu" là không thống nhất với Luật Doanh nghiệp, làm phát sinh khái niệm mới trong hệ thống pháp luật.

Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở nâng vốn chủ sở hữu lên 5 tỷ đồng; có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng mức 5 tỷ đồng trong Luật mà nên để Chính phủ quy định chi tiết.

Vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo thì "vốn chủ sở hữu" - là thuật ngữ được sử dụng trong Luật Kế toán, đây là nguồn vốn thực tế của chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho người lao động thì các điều kiện bảo đảm hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp rất quan trọng nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro. Vì vậy, mức vốn 5 tỷ đồng như dự thảo Luật đưa ra là mức tối thiểu có thể bảo đảm yêu cầu về quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động làm việc ở nước ngoài. 

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với giải trình này và xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định nâng điều kiện về người đại diện theo pháp luật từ có kinh nghiệm 3 năm lên 5 năm là chưa thuyết phục, nên giữ như quy định hiện hành. 

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại có liên quan trực tiếp đến người lao động làm việc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên cần quy định chặt chẽ là cần thiết và phù hợp. Do đó, xin Quốc hội cho được quy định như dự thảo Luật", bà Thúy Anh nói.

Đọc thêm