Doanh nghiệp được áp dụng 100% hạn mức khuyến mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do dịch COVID-19, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia lùi từ tháng 7/2021 tới tháng 12/2021. Chính điều này tạo ra một sự đặc biệt mới trong chương trình năm nay. PLVN có cuộc phỏng vấn ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) về vấn đề này.
Doanh nghiệp có thể giảm tối đa đối với hàng hóa dịch vụ trong tháng này.
Doanh nghiệp có thể giảm tối đa đối với hàng hóa dịch vụ trong tháng này.

Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia (Tháng KMTT QG) đến trong tình hình khá đặc biệt, diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp ở nhiều tỉnh, thành. Bộ Công Thương đã làm gì để có được một hoạt động thường niên hiệu quả như lần đầu tiên (năm 2020), thưa ông?

- Đây là chương trình thường niên, đáng lẽ được tổ chức vào tháng 7/2021 nhưng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên lùi lại vào thời điểm cuối năm. Trong tình hình này, Bộ Công Thương đã thiết lập nhiều kênh thông tin tuyên truyền cũng như thông qua chính các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia Chương trình để có được sự cộng hưởng nhiều chiều, giúp tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước.

Bộ Công Thương cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh hơn nữa hình thức thương mại điện tử kết hợp với bán hàng truyền thống, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo thuận lợi trong giao dịch cho người tiêu dùng và để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay.

Bộ cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành trên toàn quốc căn cứ theo tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể tại địa phương để chủ động xây dựng, thực hiện các sự kiện khuyến mại tập trung (tháng khuyến mại), các hội chợ, triển lãm thương mại cùng các sự kiện bên lề khác nhằm hưởng ứng, tham gia Chương trình.

Có gì đặc biệt trong Tháng khuyến mại tập trung năm nay, thưa ông?

- Tháng KMTT QG 2021 có phạm vi áp dụng trên toàn quốc. Mọi doanh nghiệp không phân biệt ngành nghề kinh doanh, vùng miền đều được áp dụng mức khuyến mại lên đến 100% trong thời gian từ ngày 1/12/2021 đến ngày 01/01/2022 mà không phải đăng ký tham gia với bất kỳ cơ quan nào.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, khoảng thời gian từ 2-31/1/2022 chính là đợt Tết Âm lịch của năm 2021-2022 (30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch) nên các doanh nghiệp đương nhiên sẽ được quyền thực hiện các hoạt động khuyến mại với hạn mức tối đa lên đến 100%.

Như vậy, thực tế là thời gian áp dụng hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mại lên tới 100% trong dịp này sẽ diễn ra tới 2 tháng (từ ngày 01/12/2021 đến 31/01/2022).

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.

Bộ Công Thương kỳ vọng gì ở chương trình này?

- Tháng KMTT QG lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 1-31/7/2020 đã thu hút được đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp với hơn 27.450 chương trình khuyến mại. Trong đó có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 80-100%; có 1.100 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 60-79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 50-59%. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tất cả các chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong Tháng KMTT QG lần đầu tiên đều tăng so với tháng trước đó và cùng kỳ năm trước đó nên chúng tôi cũng kỳ vọng vào chương trình năm nay. Đặc biệt chương trình lại đến vào dịp cuối năm và chuẩn bị Tết Âm lịch nên chắc chắn sức mua sẽ tăng đáng kể. Điều này sẽ góp phần kích cầu hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa phục vụ cho sản xuất để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịp cuối năm, tiến tới thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”.

Ngoài ra, trong bối cảnh cả nước đang từng bước thích ứng với bình thường mới cũng như bám sát chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”, chính việc các địa phương đã và đang nỗ lực, chủ động triển khai, xây dựng những hoạt động, chương trình cụ thể tại địa bàn để cùng đồng hành, hưởng ứng, tham gia Chương trình sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa trên cả nước, thúc đẩy cung cầu, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế - xã hội của cả nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm