Bị lỗ cả trong mùa cao điểm
Theo VABA, ngành hàng không Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.
Thị trường trong nước cũng giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, lượng khách giảm, số chuyến bay giảm nhưng chi phí tăng cao do phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, do đó các hãng bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. “Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng giảm bình quân từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước” - đại diện VABA cho biết.
Cũng theo VABA, dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019, dự báo vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021 các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động.
Từ cuối năm 2020, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hàng không vượt qua khủng hoảng được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, theo phân tích của VABA, các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng không thời gian qua tuy có tác dụng tích cực nhưng mức độ còn thấp. “Do tác động hai chiều của một số chính sách, một số DN thành viên của VABA chịu thiệt để tạo điều kiện cho các DN bạn trong ngành” - đại diện VABA cho biết.
Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, VABA đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất với Chính phủ mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN hàng không; cho phép các DN này tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021.
Thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng được kiến nghị giảm xuống mức 900 - 1.000 đồng/lít. Gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài, tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết ngày 31/12/2021.
Cần bình đẳng trong giải cứu?
Theo tìm hiểu của PLVN, Hãng hàng không VietJet đã đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất hỗ trợ. Vietnam Airlines đã được hỗ trợ vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 4%/năm và được phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
Liên quan đến chính sách giải cứu ngành hàng không, một số DN cho rằng cần có sự bình đẳng. Trao đổi với PLVN, đại diện Bamboo Airways cho rằng, Covid-19 vừa qua đã chứng kiến một diễn biến đáng chú ý: “anh cả” thuộc khối quốc doanh là Vietnam Airlines báo lỗ; hai hãng bay thuộc khối dân doanh là Vietjet và Bamboo Airways lại ghi nhận lãi.
Lúc này, một số ý kiến cho rằng nên đưa kết quả kinh doanh của các đơn vị vào hệ tham chiếu để xây dựng các gói chính sách hỗ trợ cho từng hãng bay. Thậm chí, các hãng làm ăn có lãi rồi thì có cần phải được hỗ trợ nữa không?
“Điều mà Hãng Bamboo Airways mong muốn là các DN hàng không trong nước đều được bình đẳng trong việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi, không phân biệt DN nhà nước hay DN tư nhân. Chúng tôi không mong được ưu tiên, chúng tôi chỉ mong được bình đẳng” - lãnh đạo Bamboo Airways nói.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nên có chiến lược hỗ trợ các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia, chính sách cần xuyên suốt.
“Cần có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, có chiến lược chung và cùng với các hãng thiết kế ra một chiến lược sống còn và trỗi dậy sau đại dịch Covid-19” - ông Trần Đình Thiên nói.