Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vừa đưa ra đề xuất giảm khoảng 5.400 tỉ đồng từ 2 quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mỗi năm. Trên cơ sở rà soát các nguồn Quỹ BHTN, tai nạn lao động, Bộ LĐTB&XH cho rằng phương án giảm một phần tỉ lệ đóng có tính khả thi.
Cụ thể, Quỹ BHTN có thể giảm tỉ lệ đóng từ 1% - 0,5%, tương ứng với số tiền giảm khoảng 2.400 tỉ đồng. Với tỉ lệ giảm tương tự, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng có thể giảm khoảng 3.000 tỉ đồng.
Theo Bộ LĐTB&XH, trong 8 năm qua, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có mức chi cao nhất là 11% quỹ. Riêng năm 2015, mức chi có quỹ này chỉ khoảng 8%. Bên cạnh đó, Quỹ BHTN hiện nay cũng có nguồn kết dư lớn. Hiện tổng số kết dư quỹ này là gần 49.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.400 tỉ đồng, tương ứng tăng 17,9% so với năm 2014.
Do đó, nếu được áp dụng, số tiền được giảm sẽ là khoản hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện áp lực về nguồn chi lương nhân công, sản xuất và cạnh tranh môi trường trong và ngoài nước ngày càng gia tăng.
Giảm đóng sẽ có lợi cho doanh nghiệp
Ông Rơ Chăm Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum cho rằng, giảm tỷ lệ đóng 2 quỹ này (theo tỷ lệ đóng BHXH) sẽ có lợi cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, để đảm bảo được mức thu nhập, duy trì được công ăn việc làm cho người lao động, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình khi tham gia giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Có như vậy mới giải quyết được mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Theo ông Rơ Chăm Long: “Giảm đóng BHXH sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp. Song, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu được giá trị sản phẩm của người lao động làm ra; thực hiện được quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng người lao động đóng BHXH, BHTN và các nhu cầu thiết yếu khác, như thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động. Có như vậy người lao động mới yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp được”.
Cần bảo đảm sự thụ hưởng của người lao động
Trong khi đó, ông Trương Minh Hoàng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, kinh nghiệm về Điều 60 Luật BHXH 2016 cho thấy sức ép rất lớn từ phía người lao động trong việc đóng và hưởng BHXH. Do đó, việc điều chỉnh giảm mức đóng phải được tính toán kỹ lưỡng.
Theo ông Trương Minh Hoàng, đối với BHXH, BHYT, BHTN, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng một phần cùng với người lao động. Khi giảm đóng, có nghĩa người lao động đã bị bớt đi một phần tích lũy tiền lương về sau này, cũng như giảm thụ hưởng từ quỹ. Do đó, Nhà nước cần có nguồn bù đắp vào thiếu hụt này.
“Điều quan trọng là người lao động sau này được hưởng chế độ hưởng như thế nào? Nghĩa là với mức đóng góp như đề xuất (đã tính tỷ lệ giảm – PV), sau này nếu người đóng bị giảm quyền lợi, thì tôi nghĩ mới gây thiệt hại cho người lao động.
Còn nếu như Nhà nước giảm ở khoản này, nhưng đảm bảo bù đắp được cân đối thì vấn đề này rất bình thường. Đến một thời điểm nào đó, nếu như nguồn thu không đảm bảo được chi thì có thể đề xuất theo phương án tăng thu trở lại” – ông Trương Minh Hoàng nói.
Cũng theo ông Trương Minh Hoàng, tình trạng nợ đọng BHXH tràn lan như hiện nay có nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp cho rằng mức đóng như hiện nay là quá cao. Do đó doanh nghiệp lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động thời vụ. Trong khi đó, người lao động thời vụ không muốn trích số tiền của mình bỏ ra để đóng bảo hiểm.
“Cho nên, đề xuất giảm bớt tỷ lệ đóng các quỹ này cũng là sự khuyến khích thu hút được nguồn tiền BHXH. Tôi nghĩ, điều này cũng khoa học và hợp lý” – ông Trương Minh Hoàng khẳng định.
Theo các chuyên gia, người lao động và người sử dụng lao động cho rằng mức đóng BHXH như hiện nay là tương đối cao: người lao động phải đóng 10,5% và chủ sử dụng lao động phải đóng 22% trên mức lương. Như vậy tổng cộng số BHXH, BHYT lên đến 32,5%. Trong khi đó, theo lộ trình đến 2018, chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ phải đóng đủ BHXH trên tổng thu nhập.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương hiện tại, còn hơn 20% người lao động có mức thu nhập không đủ sống, chỉ có 8% người lao động có tích lũy. Còn lại là số lao động có mức thu nhập phải chi tiêu rất dè sẻn.
Do đó cần xem xét, nghiên cứu để kiến nghị có những điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH ở các quỹ ngắn hạn cho phù hợp. Cụ thể như quỹ bảo hiểm ốm đau, thai sản, TNLĐ có thể xem xét giảm mức đóng ở những thời điểm nhất định./.