Vấn đề an ninh mạng đang trở thành một trong những thách thức lớn trong thời đại công nghệ 4.0, thời đại mà mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, chính trị, thương mại đều phụ thuộc vào các thiệt bị máy tính, mạng xã hội và mạng internet. Khả năng làm việc cũng như kết nối rộng lớn của mạng internet đã đưa thế giới đến gần nhau hơn, nhưng cũng từ đó đưa đến những hiểm họa không ngờ về việc bị đánh cắp các thông tin, dữ liệu hay nghiêm trọng hơn là các hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị điện tử bị đánh sập, phá hoại bởi những kẻ tống tiền hoặc những hacker mũ đen.
Gần đây đã có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước lo lắng vì đã bị hacker tấn công vào máy tính chủ của công ty, làm tê liệt các dữ liệu quan trọng. Sau đó, bọn chúng đã gửi email đến doanh nghiệp tống tiền, yêu cầu thanh khoản bằng tiền điện tử Bitcoi. Vì công việc cuối năm rất cấp thiết cho việc thanh quyết toán công nợ nên không ít doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn và làm theo yêu cầu của những “tin tặc”.
Theo báo cáo của Trung tâm ứng cứu khần cấp máy tính Việt Nam-VNCERT, tính đến nửa đầu năm 2018 đã có 1.122 sự cố tấn công lừa đảo, 3.200 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 857 sự cố phát tán mã độc malware trên website. Tính đến thời điểm tháng 6/2018 đã có 5.179 vụ tấn công mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trật tự an toàn an ninh mạng.
Hành vi phát tán các loại mã độc “tống tiền”, đòi tiền chuộc để mở khóa các tập tin trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các thông tin sai trái, thù địch, gây chia rẽ xã hội được tuyên truyền, phát tán rộng rãi gây khó khăn trong việc kiểm soát các luồng thông tin trên.
Loại mã độc thường thấy nhất là Ransomware thuộc loại phần mềm độc hại malware, đây là loại mã độc có khả năng xâm nhập vào các loại thiết bị máy tính chạy trên nền tảng Windows, Android và đặc biệt có thể xâm nhập vào các loại Macbook của Apple. Ransomware dựng một hệ thống mật mã để mã hóa dữ liệu thuộc về các tổ chức, cá nhân. Sau đó tiến hành đòi tiền chuộc để khôi phục lại dữ liệu trên. Hiện nay, việc “tống tiền” trở nên tinh vi hơn khi các hacker “tống tiền” thông qua Bitcoin, một loại tiền điện tử mã hóa, thanh toán an toàn hơn việc sử dụng tiền mặt, chuyển tiền thông qua các tài khoản ngân hàng.
Giống như những phần mềm độc hại khác, Ransomware xâm nhập vào máy tính của người sử dụng khi người dùng tìm và dùng các phần mềm crack, bấm vào quảng cáo, truy cập web “đen”, truy cập vào website giả mạo, tải và cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc, file đính kèm qua email spam và các loại email nặc danh... Sau khi xâm nhập thành công vào máy tính, các dữ liệu cá nhân cũng như hệ thống máy tính sẽ bị mã hóa. Màn hình sẽ hiện liên một chỉ dẫn đến với địa chỉ email mà hacker để lại. Người bị hại sẽ thông qua địa chỉ email đó liên lạc với chủ của phần mềm mã độc trên để yêu cầu giải mã độc trên máy.
Vào ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực. Luật gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng sẽ góp phần gìn giữ và bảo đảm trật tự an ninh mạng.
Người dùng có thể tự bảo vệ bản thân mình tránh khỏi Ransomware bằng những cách như: Không sử dụng những phần mềm crack, thường xuyên nâng cấp những phần mềm trên máy tính, phần mềm diệt Virus trên hệ thống; không click chuột vào những đường link khả nghi, những quảng cáo, tệp đính kèm những email lạ; không mở các file đính kèm được gửi đến từ những người không quen biết hoặc không tải các file từ các trang web không rõ nguồn gốc; sao lưu những dữ liệu quan trọng trên máy tính ra các thiết bị lưu trữ bên ngoài hoặc các dịch vụ lưu trữ đám mây.
Trường hợp hệ thống máy tính bị tấn công bởi mã độc, người sử dụng cần liên hệ đến Trung tâm ứng cứu khần cấp máy tính Việt Nam - VNCERT để kịp thời nghe theo hướng dẫn và xử lý.