Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cần phải chấp hành đúng theo các quy định tại Bộ luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên,
Sa thải là một hình thức kỷ luật lao động của người sử dụng lao động đối với người lao động được quy định tại khoản 3 Điều 125 Bộ luật lao động 2012.
Hình thức sa thải người lao động cần tuân thủ theo Điều 126 Bộ luật lao động 2012 bao gồm: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động; Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm (Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật lao động); Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm nếu không có lý do chính đáng.
Như vậy, doanh nghiệp không được sa thải người lao động nếu căn cứ vào dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hành vi này là vi phạm pháp luật.
Do đặc thù của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng khác nhau. Như tôi đã nói ở trên, để doanh nghiệp và người lao động cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương. Thỏa thuận này phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật.