Doanh nghiệp không còn ngại với phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại càng gia tăng càng chứng tỏ sự hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, đối mặt và chủ động đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại là việc không thể tránh khỏi với doanh nghiệp Việt Nam.
Thép và các sản phẩm thép liên quan nhiều đến các biện pháp PVTM.
Thép và các sản phẩm thép liên quan nhiều đến các biện pháp PVTM.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương, tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra PVTM tổng cộng 25 vụ việc. Trong đó là có 15 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc lẩn tránh biện pháp PVTM.

Riêng trong năm 2021, Cục PVTM đã kết thúc và đưa ra kết luận điều tra đối với 5 vụ việc, tiếp tục thực hiện điều tra đối với 3 vụ việc, rà soát thường kỳ đối với 4 vụ việc và rà soát cuối kỳ đối với 2 vụ việc.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM đánh giá, doanh nghiệp (DN) Việt cũng đã quen dần với việc sử dụng các biện pháp PVTM, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đáng chú ý, biện pháp Việt Nam sử dụng chủ yếu là tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá. Đây cũng là biện pháp chính mà nhiều nước khác sử dụng để xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa.

Hiện, Việt Nam đang duy trì tổng cộng 16 biện pháp PVTM đang có hiệu lực. Trong đó, thép và các sản phẩm thép đang chiếm nhiều nhất các biện pháp PVTM. Ông Trung khẳng định, đây cũng là xu hướng chung của thế giới bởi thông thường các mặt hàng kim loại là những mặt hàng đã và đang là đối tượng điều tra áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất. Ngoài ra còn có một số sản phẩm liên quan đến mặt hàng gỗ, nhôm, đường và một số mặt hàng khác nữa.

Một lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết, trước năm 2015 các vụ việc PVTM luôn được phát hiện và thông báo cho DN từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Hầu hết DN đều lo ngại và bỡ ngỡ khi phải đối diện với các vụ việc điều tra. Nhưng hiện nay, thực trạng này đã được cải thiện, thay đổi tích cực. Các DN Việt, đặc biệt trong các ngành thủy sản, sắt thép, vật liệu xây dựng… đã đặc biệt quan tâm đến PVTM. Thậm chí không ít DN đã có bộ phận phụ trách về PVTM và theo dõi rất sát sao việc áp dụng các biện pháp PVTM tại các quốc gia mà DN đang xuất hàng sang.

Ông Trung cũng cho rằng, chính việc đối mặt với các vụ việc PVTM ở các quốc gia khác đã khiến cho nền sản xuất trong nước làm quen dần với vấn đề này. Ngành thép là điển hình của vấn đề này. Bởi thông qua các hoạt động xuất khẩu của các DN trong ngành, DN đã va chạm với những biện pháp PVTM mà nước ngoài áp dụng với hàng hóa của Việt Nam. Từ đó họ có kiến thức và những hiểu biết về PVTM. Và trong những hoàn cảnh, điều kiện phù hợp, họ sẽ cùng nhau thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ để đề nghị Bộ Công Thương áp dụng những biện pháp PVTM phù hợp để bảo vệ lợi ích cũng như nền sản xuất trong nước.

Theo đánh giá, trong giai đoạn 2021-2030, khả năng Việt Nam sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất, nhập khẩu và đạt đến con số 1.000 tỷ USD do tận dụng được rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hiệp định RCEP chiếm đến 30% tổng GDP toàn cầu. Lãnh đạo Cục PVTM cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc có thể xuất hiện nhiều hơn các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, do tác động của mở cửa thị trường theo cam kết trong FTA, rào cản thương mại được giảm thiểu cho nên nhập khẩu tăng nhanh, vi phạm các nguyên tắc thương mại công bằng có xu hướng ngày càng tinh vi, đa dạng, vì vậy Việt Nam phải tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục PVTM cũng khuyến cáo với DN khi áp dụng biện pháp PVTM là phải tuân thủ luật pháp thương mại quốc tế, không phải muốn dừng áp dụng biện pháp PVTM bất kỳ lúc nào cũng được.

Đọc thêm