Sứ mệnh doanh nghiệp
Phát biểu tại khóa đào tạo hướng dẫn áp dụng ISO 14001:2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tập đoàn Dow Chemical (Mỹ) phối hợp tổ chức hôm qua (25/12), ông Nguyễn Quang Vinh lưu ý, bối cảnh của năm 2015 với 2 sự kiện nổi bật: Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững diễn ra từ 25- 27/9/2015 tại New York (Hoa Kỳ) và Hội nghị lần thứ 21 Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vừa diễn ra tại Paris (Pháp).
“Không phải không có lý do khi đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị về biến đổi khí hậu.
Đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam cam kết tham gia khu vực và thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Thực hiện các cam kết này, không ai khác chính là các DN. Các DN phải làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu? Vai trò của DN đến đâu để biến đô thị thành nơi đáng sống?”- ông Vinh gợi mở.
Ông Vinh cũng lưu ý, trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định TPP, việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế mà chính là giúp DN trụ vững và cạnh tranh được trên thị trường rộng mở của khu vực và thế giới…
Lợi ích sát sườn
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và tư vấn ISO, với việc ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia có mặt ở Việt Nam để đầu tư kinh doanh, việc gia tăng các yêu cầu tay nghề công nhân, trình độ chuyên môn hóa đặt ra yêu cầu DN phải có trách nhiệm với môi trường, xã hội và đảm bảo uy tín DN là điều cần thiết trong việc ký kết giao thương.
Đặc biệt, hiện nay có nhiều tập đoàn quốc gia yêu cầu các nhà cung cấp, nhà thầu phải đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và chứng chỉ hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 như sự bảo đảm các yếu tố đó.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của Việt Nam đã được ban hành tương đối đầy đủ, trong đó các quy định về BVMT liên quan đến DN gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, BVMT không khí, BVMT nước, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, xác nhận hệ thống quản lý môi trường, quy định về hoạt động quan trắc, quy định về thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ, bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, quy định về xử lý khiếu nại trong lĩnh vực môi trường, bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực BVMT…
Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều lỗi thường gặp. Khảo sát của Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch, Bộ Công Thương cho biết, có đến 32% lỗi mắc phải về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý; 31% lỗi về Giấy phép xả thải vào môi trường; 26% lỗi về kho chứa chất thải nguy hại; 23% lỗi về liên chứng từ chất thải nguy hại; 21% lỗi về chất lượng nước thải…
Vấn đề được các chuyên gia đặt ra là các DN thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Hoài Sơn, phụ trách đối ngoại Tập đoàn Dow Chemical, DN 100% vốn nước ngoài về hóa chất đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1995, dẫn chứng:
“Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam tăng mỗi năm 19%, đạt hơn 500 triệu USD. Với dự báo công nghiệp hóa chất Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,5- 2 lần GDP thì DN sản xuất nhựa cần các vật liệu hóa chất có chất lượng cao để giảm thiểu tác động đến môi trường và cũng là góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp nhựa của Việt Nam tăng trưởng trong tương lai…”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, từ nguyên liệu đầu vào đến việc duy trì hệ thống quản lý môi trường là việc DN cần quan tâm và đầu tư thích đáng và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 được khuyến cáo là một công cụ có nhiều khả năng mang lại lợi ích kinh tế, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và giúp các DN cải thiện năng suất, chất lượng.