Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc chiến phòng chống hàng giả

(PLVN) - Câu chuyện về một giám đốc doanh nghiệp (DN) không dám thừa nhận sản phẩm của mình bị làm giả đã trở thành một “giai thoại” khó tin trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái. Bởi nếu DN không tham gia vào cuộc chiến này thì những nỗ lực của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) sẽ khó có thể mang lại hiệu quả tối đa…
Lực lượng QLTT tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết hàng thật hàng giả của các thương hiệu lớn

Khi “các thương hiệu lớn” đổ bộ vào Việt Nam

Theo số liệu thống kê, mỗi năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do gặp nhiều vấn đề hợp tác từ phía DN, mà câu chuyện về việc giám đốc một DN không dám thừa nhận sản phẩm của mình bị làm giả là một ví dụ điển hình.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, khẳng định, các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền SHTT trong những năm gần đây đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử, giờ đây Internet đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém phẩm chất mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý.

Ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, ở Hà Nội, hàng giả, vi phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu. Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, có thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Gucci... 

Các loại nước hoa, hóa mỹ phẩm như Chanel, Lancome; đồ điện tử như Panasonic, Canon, Sanyo hay điện thoại di động hiệu Apple... cũng bị đặt làm giả số lượng lớn từ nước ngoài rồi nhập lậu đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Thậm chí, ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng Cục SHTT phía Nam cũng đã từng kể câu chuyện chiếc điện thoại Vertu đắt nhất trong lịch sử các loại điện thoại từng được làm giả và bán ở Việt Nam với giá… 800 ngàn đồng. 

Mới đây, qua hai ngày kiểm tra đột xuất ở năm cửa hàng tại TP Nha Trang (Khánh Hoà), lực lượng QLTT Khánh Hòa đã tịch thu 3.240 đồng hồ nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các loại đồng hồ này.  

Nhiều tập đoàn lớn vào cuộc  

Việt Nam đã trở thành một thị trường lớn mà các đối tượng sản xuất hàng giả nhắm đến tiêu thụ. Nhận thức được điều này, ngày càng có nhiều DN là chủ sở hữu của các thương hiệu lớn, thương hiệu cao cấp trên thế giới tiến hành hợp tác với lực lượng QLTT để nắm bắt và dần hạn chế tiêu thụ các loại hàng giả của các thương hiệu lớn tại thị trường Việt Nam. 

Tổ chức REACT (một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận lớn trên thế giới, đã có 20 năm kinh nghiệm phòng chống hàng giả, hàng nhái) mới đây đã phối hợp cùng Tổng cục QLTT tổ chức “Hội thảo phân biệt hàng thật - hàng giả của các nhãn hiệu thành viên REACT và chiến dịch phối hợp từ biên giới tới Thủ đô”. Đại diện 13 DN thành viên REACT như Michael Kor, Philips, Casio, Adidas… đã giới thiệu  cách thức nhận biết hàng thật - hàng giả đối với sản phẩm của DN.

Bà Trịnh Thuý Hằng, Giám đốc REACT Việt Nam kỳ vọng, REACT sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác và trao đổi, cập nhật thông tin nhận diện hàng thật - hàng giả, cùng thảo luận và thống nhất phương thức hợp tác năm 2019 với lực lượng QLTT để từ đó giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các lợi ích hợp pháp của các DN nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội đề nghị các DN có hàng hóa, nhãn hiệu bị xâm phạm phải nâng cao trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm; thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhập, bổ sung các kỹ năng, dấu hiệu nhận biết phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ, công chức lực lượng QLTT để nâng cao hơn nữa kết quả công tác.

Tập đoàn LVMH (một tập đoàn quốc tế của Pháp, chuyên về các sản phẩm xa xỉ) còn mong muốn ký kết Bản ghi nhớ về hoạt động chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT với Tổng cục QLTT. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn LVMH triển khai hoạt động như vậy ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà thị trường hướng tới là Việt Nam. 

Đại diện Tập đoàn này cho biết, LVMH đang thực hiện chương trình khảo sát để có cái nhìn tổng thể hơn về thị trường Việt Nam, từ đó đưa ra các kế hoạch hợp tác với lực lượng thực thi tại Việt Nam. Đồng thời Tập đoàn cũng sẽ tổ chức các khoá đào tạo cho công chức QLTT để cung cấp các thông tin phân biệt hàng thật - hàng giả đối với các sản phẩm của LVMH, hỗ trợ cho lực lượng thực thi trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đọc thêm