Ứng dụng công nghệ thông tin: Vẫn còn bất cập
Tập hợp ý kiến DN tại Hội nghị Đối thoại chính sách và TTHC thuế Hải quan vừa diễn ra tuần qua, liên quan đến quy trình, thủ tục, báo cáo của VCCI cho biết, khá nhiều DN cho biết phần mềm hỗ trợ kê khai được nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn chưa có đầy đủ các biểu mẫu phù hợp cho kê khai.
Trong đó đáng chú ý, vẫn còn tình trạng nộp tờ khai qua mạng nhưng chưa hỗ trợ nộp các giấy tờ công văn khác; báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế vẫn chưa kê khai qua mạng, còn nộp bằng giấy; Đã đăng ký nộp tờ khai thuế qua mạng nhưng một số mẫu biểu còn phải nộp trực tiếp bằng giấy như Báo cáo sử dụng ấn chỉ (Chứng từ khấu trừ thuế TNCN).
Ngoài ra, hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế (CQT) và DN cũng không đồng bộ dẫn đến DN gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng CQT báo lỗi không nhận được; Hay việc áp dụng CNTT trong công tác quản lý DN cũng gặp khó khăn do không được hỗ trợ về mặt thuế. Ví dụ như việc phê duyệt các chứng từ online nhưng vẫn yêu cầu in ra và ký trên giấy. Việc này dẫn đến DN không tối ưu được CNTT trong công tác quản lý.
Vì vậy DN việc ứng dụng CNTT này cần được tiến hành một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa.
Nợ thuế, phạt chậm nợ thuế: Vẫn vướng!
Theo phản ánh của DN, phát sinh thuế phải nộp quý 4 nhưng thời hạn cuối nộp rơi vào quý 1 năm sau, nên DN nộp vào quý 1 năm sau (vẫn được xem là nộp đúng hạn và không nợ thuế). Nhưng khi DN cần xác nhận nghĩa vụ nộp thuế thì không xác nhận được hay thủ tục rất rườm rà và không phản ánh đúng tình trạng nghĩa vụ nộp thuế của DN, vì cán bộ phụ trách nói chỉ xác định căn cứ đến 31/12 của năm đó và xem như khoản nộp vào đầu năm sau là nợ thuế.
Cũng có nhiều DN cho biết thông báo nợ thuế không rõ ràng, không có từng mục và số tiền cụ thể, do vậy đề nghị cần nêu rõ nợ thuế là của mục nào, số tiền bao nhiêu để DN dễ thực hiện.
Cũng có trường hợp DN nhận được thông báo của chi cục thuế yêu cầu thanh toán thuế nợ. Nhưng khi gọi điện cho cán bộ phụ trách (phòng kiểm tra thuế) xác nhận thì là do nhầm lẫn số liệu giữa các phòng nghiệp vụ. DN đề nghị trước khi ký thông báo và gửi cho DN, CQT nên kiểm tra thông tin, xác minh kỹ lưỡng, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của DN và uy tín của CQT.
Mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến DN gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Đây cũng là vấn đề mà CQT nên xem xét, đánh giá tình hình của DN để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp. Tùy theo tình hình có thể giảm theo mức độ khó khăn (giảm 20%, 30% hay 50% mức phạt) hoặc miễn cho DN để DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.
DN cũng đề nghị cần bỏ mức phạt chậm nộp đối với các khoản thanh toán mà NSNN còn nợ DN. Cũng có một số DN cho biết, nhiều lỗi sơ suất nhỏ nhưng bị nộp phạt nặng.
Các DN cũng mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho DN phát triển hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý.
Doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế
Phần lớn hiện nay các DN Việt Nam đều là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản. Trong khi đó, các văn bản pháp luật về thuế ra liên tục, DN hầu như không cập nhật kịp. Các quy định về thủ tục liên quan lại tương đối phức tạp, cũng không có danh sách cụ thể về các loại thông báo, báo cáo phải nộp hàng năm gây ra một số khó khăn như: không biết phải nộp những thông báo gì dẫn đến việc nộp chậm và bị phạt vi phạm hành chính. Do vậy, DN đề nghị cần đưa ra các quy định đơn giản thiết thực, dễ hiểu giúp DN áp dụng ổn định, cũng như có quy định chính xác, cập nhật thường xuyên những thông báo phải nộp (cả loại báo cáo thường xuyên và không thường xuyên) để DN tuân thủ.