Doanh nghiệp làm gì để ứng phó điều tra phòng vệ thương mại?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khi hàng hóa Việt Nam ngày càng xuất hiện rộng rãi trên toàn thế giới thì nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần phát huy vai trò chủ động, tích cực trong tham gia các hoạt động điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Xi măng Việt Nam lần đầu tiên bị áp dụng điều tra PVTM. Ảnh minh họa
Xi măng Việt Nam lần đầu tiên bị áp dụng điều tra PVTM. Ảnh minh họa

Xu hướng điều tra PVTM ngày càng mở rộng

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, tình hình các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp điều tra và biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) có số lượng ngày càng tăng lên. Các con số thống kê cũng cho thấy, cứ 5 năm 1 lần thì số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ. “Với xu hướng này thì hàng hóa XK của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM của nước ngoài” - ông Trung nhận định.

Bên cạnh số lượng các vụ việc tăng lên thì cũng có những đặc điểm tương đối mới trong quá trình bị điều tra PVTM. Như mở rộng các biện pháp PVTM (ví dụ biện pháp lẩn tránh biện pháp PVTM). Đây là một cách thức điều tra mới của cơ quan điều tra nước ngoài, để không chỉ áp dụng với những nước đối tượng ban đầu mà có thể mở rộng áp dụng ra với các nước khác nữa. Hiện, trong 16 vụ việc mà Việt Nam đang phải xử lý trong 11 tháng của năm 2022 cũng có một số vụ việc liên quan đến việc điều tra lẩn tránh các biện pháp PVTM.

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện các thị trường mới, thậm chí các thị trường trong khu vực Đông Nam Á và những thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do, tức là đã có những cơ hội rất thuận lợi để phát triển hoạt động XK. Đáng lưu ý, yêu cầu thủ tục của cơ quan điều tra nước ngoài có xu hướng chặt chẽ, khắt khe hơn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các DN mới có thể đáp ứng được những yêu cầu này.

Trước thực trạng này, Cục PVTM đã có những cảnh báo trước đối với các DN về những mặt hàng nào, thị trường nào có khả năng sẽ bị tiến hành điều tra PVTM với hàng hóa của Việt Nam trong tương lai. Xi măng cũng là một trường hợp như vậy khi lần đầu tiên mặt hàng xi măng bị Philippines điều tra PVTM.

“Chúng tôi đã biết ngay từ khi có những thông tin ban đầu về việc Philippines có thể tiến hành điều tra PVTM đối với xi măng của Việt Nam, Cục đã có những cảnh báo đến hiệp hội, DN. Tiếp theo đó đã triển khai những hoạt động tư vấn để DN hiểu về những nguyên tắc cơ bản của việc điều tra áp dụng PVTM, vai trò của DN như thế nào” - ông Trung nói.

Doanh nghiệp phải chủ động ứng phó

Lãnh đạo Cục PVTM nhấn mạnh, DN có vai trò chủ động và tích cực trong tham gia các hoạt động điều tra áp dụng biện pháp PVTM thì mới có thể đảm bảo được kết quả tốt.

“Chúng tôi không kỳ vọng ngay từ đầu các DN ở trong tất cả các ngành sản xuất có thể nắm được các quy định ở mức độ rất chi tiết về PVTM. Đấy là việc của các chuyên gia, của đơn vị tư vấn về PVTM và là một phần việc của chúng tôi. Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản nhất về PVTM và vai trò của DN như thế nào khi tham gia vào thì DN cần phải nắm được những nguyên tắc cơ bản nhất. Đó là sự chuẩn bị của DN để khi vào một vụ việc cụ thể, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm, tìm hiểu kỹ hơn về những vấn đề đó” - ông Trung nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Văn phòng Luật sư IDVN) cho rằng, quan trọng nhất là DN phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và cực kỳ nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc PVTM. Thậm chí, kể cả những DN “đang an toàn” tức là chưa từng vấp phải các vụ kiện PVTM cũng cần phải định hình xem thị trường xuất khẩu có tầm quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của DN.

Khi xác định được thị trường nào quan trọng thì ngoài việc tìm kiếm các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, liên quan tới tiếp cận thị trường thì DN cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về PVTM tại các quốc gia đó. Bởi vì khi điều tra PVTM thì mỗi một quốc gia sẽ điều tra theo nội luật, tức là theo quy định của từng quốc gia.

Ngoài ra, DN cũng cần thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về thị trường và các biện pháp bị áp dụng của của những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Ví dụ như Trung Quốc hoặc Ấn Độ bị áp dụng biện pháp PVTM sẽ vừa là thuận lợi nhưng đồng thời cũng vừa là nguy cơ đối với Việt Nam. Thuận lợi ở chỗ các DN Trung Quốc hay Ấn Độ khi mà họ bị áp thuế cao tại một thị trường nhập khẩu thì chắc chắn hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội hơn nhưng đồng thời nguy cơ là Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.

“Thực tế, trong rất nhiều vụ việc Việt Nam bị điều tra, chúng tôi vẫn nói vui là bị oan hoặc là bị vạ lây. Bởi khi quyết định điều tra những nước lớn, ví dụ như Trung Quốc, thì nhiều quốc gia sẽ có tâm lý cho rằng, hàng hóa của Trung Quốc sẽ qua Việt Nam hoặc là các nhà sản xuất của Trung Quốc sẽ chuyển qua Việt Nam, vì thế nên họ sẽ ghép luôn Việt Nam vào trong đơn kiện đó. Do đó, DN cần chủ động tâm thế, sẵn sàng các dữ liệu để phản biện.

Đọc thêm