* Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ: Cơ quan nhà nước kết nối, đồng hành với doanh nghiệp
Thể chế có vai trò đặc biệt quan trọng và có thể được coi là nguồn lực góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của một quốc gia. Trong bài bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: “đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân…”. Tại các phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định: xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quyết định cho sự thành bại; cần phải tăng cường thể chế gắn với kiểm tra, giám sát. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Diễn đàn là rất cần thiết nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện nhiệm vụ đó.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. |
Diễn đàn năm nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức tổ chức bài bản, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cùng đông đảo các DN. Diễn đàn là cơ hội để các DN được trực tiếp nói lên tiếng nói của mình, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và nêu lên những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong quá trình đầu tư kinh doanh mà mình gặp phải, chẳng hạn như về trình tự, thủ tục thực hiện chủ trương đầu tư, đầu tư dự án có sử dụng đất, về chính sách thuế...
Thông qua Diễn đàn này, các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, kịp thời nắm bắt, chia sẻ, trao đổi thông tin từ phía DN; từ đó có giải pháp để xử lý những vấn đề cần tháo gỡ. Diễn đàn còn là sự kết nối, sự đồng hành của cơ quan nhà nước với DN nhằm khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Luật InvestPro: Khẩn trương đưa các chính sách mới, ưu việt, nhân văn vào cuộc sống
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Luật InvestPro. |
Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Diễn đàn năm nay - “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN”. Có thể nói đây là chủ đề rất thiết thực, được không chỉ cộng đồng doanh nhân, DN mà hầu như cả xã hội quan tâm.
Thực tiễn cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã và đang được kiến tạo và phát triển theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN được kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn vướng mắc pháp lý. Tôi cho rằng điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi pháp luật dù bám sát thực tế nhưng đôi khi vẫn không theo kịp sự phát triển như vũ bão của thực tiễn cuộc sống, cho dù các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách đã dự liệu trước các tình huống, vấn đề.
Chúng ta vừa sửa đổi, bổ sung và thông qua nhiều luật mới có hiệu lực, trong đó có những đạo luật quan trọng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng DN như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… Thiết nghĩ cũng phải khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này, để chính sách mới, ưu việt, nhân văn được áp dụng ngay vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm bảo đảm minh bạch chính sách, tạo môi trường pháp lý an toàn, thông thoáng để các DN vững vàng về tâm thế thực hiện tốt sứ mệnh phụng sự xã hội.
* Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng: Cơ hội để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau
Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng. |
Để góp phần giải quyết những vướng mắc pháp lý mà DN đang gặp phải, có thể coi Diễn đàn là một trong những sáng kiến tạo không gian đối thoại trực tiếp, trực diện, cụ thể để DN nói lên tiếng nói của mình. Đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan được trực tiếp lắng nghe, chia sẻ, trao đổi thông tin với DN về chính sách, thể chế cũng như quá trình tổ chức thực hiện gắn với đời sống pháp lý DN, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị pháp lý quan trọng, là cơ hội quý để các DN trao đổi về những rào cản, khó khăn về mặt pháp lý cũng như triển khai các chính sách pháp luật trên thực tiễn. Từ đó, các Bộ, ngành có liên quan sẽ thu nhận ý kiến, phản hồi từ DN, qua đó tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn được nêu tại Diễn đàn.
Trong công tác chuẩn bị Diễn đàn, các Bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Quốc phòng đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, đề xuất các giải pháp để hài hòa giữa cách thức quản lý nhà nước với lợi ích DN, bám sát phương châm đồng hành, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để DN phát triển, tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Tôi tin rằng những nội dung được nêu tại Diễn đàn sẽ được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng DN; được nhận diện, được thể chế hóa; góp phần quan trọng để DN tăng trưởng, phát triển.
* Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ: Phải quyết tâm “đi tới cùng” để tháo gỡ vấn đề
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. |
Có thể thấy, tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư - đất đai - xây dựng và nhiều lĩnh vực khác, cũng như tình trạng quy định thủ tục hành chính còn rườm rà, khó khăn, tạo rào cản cho khâu thực thi. Nếu không kịp thời tháo gỡ các vướng mắc pháp lý thì rất nhiều hoạt động trên thực tiễn sẽ đình trệ, kéo dài thời gian, tiêu tốn nhiều nguồn lực và chi phí cơ hội không chỉ của DN mà của nhiều bên liên quan
Kết quả khảo sát mới nhất của Ban IV về tình hình DN cuối năm 2024 và triển vọng 2025 cho thấy, sự đánh giá của DN chính sách hỗ trợ đã tích cực hơn so với khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023 ở tất cả các khía cạnh. Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách giảm thuế GTGT; giảm tiền thuê đất; cơ cấu nhóm nợ. Tuy nhiên, trong số những khó khăn mà DN chỉ ra thì vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 thử thách mà DN phải đối mặt.
Do đó, việc tháo gỡ kịp thời các vướng mắc pháp lý trong đầu tư, sản xuất kinh doanh cho DN có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng, giúp cải thiện nội lực, cải thiện niềm tin cho DN để phục hồi và phát triển trong bối cảnh quốc tế/trong nước còn nhiều thách thức.
Phải khẳng định rằng, việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho DN luôn là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ; là biện pháp nâng cao sức cạnh tranh cho DN và nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới địa phương, và điều quan trọng nhất, là sự quyết tâm “đi tới cùng vấn đề” để cùng tháo gỡ vấn đề, tạo cho DN môi trường kinh doanh thông thoáng nhất.
* Bà Trương Thị Ny, Ủy viên đặc biệt và đại diện Hội đồng phát triển kinh tế châu Âu, Chuyên gia hỗ trợ giải pháp doanh nghiệp trong nước và quốc tế: Tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh
Bà Trương Thị Ny, Ủy viên đặc biệt và đại diện Hội đồng phát triển kinh tế châu Âu. |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, DN Việt Nam cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân đã cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước tình hình đó, tôi đánh giá rất cao việc tổ chức Diễn đàn năm 2024. Việc tổ chức Diễn đàn thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Thông qua Diễn đàn, cộng đồng DN có cơ hội được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành để nêu bật những vấn đề liên quan đến đời sống pháp lý DN được đúc rút qua thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung về mặt pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo sự đồng thuận trong xây dựng và thi hành chính sách. Tôi kỳ vọng rằng những kết quả thực chất tại Diễn đàn sẽ góp phần phát triển lực lượng sản xuất mới cùng với hoàn thiện quan hệ sản xuất tạo cơ hội và các không gian phát triển mới, tạo động lực then chốt cho sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
* ThS Nguyễn Đức Ngọc, Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội: Đa số doanh nghiệp gặp phải hai vướng mắc pháp lý
ThS Nguyễn Đức Ngọc, Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội. |
Bên cạnh bối cảnh chung về kinh tế, xã hội thì bối cảnh của hệ thống pháp luật hiện nay có điểm đáng chú ý là năm 2024 có nhiều luật ảnh hưởng trực tiếp tới những ngành nghề then chốt của nền kinh tế và cộng đồng DN bắt đầu có hiệu lực, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng. Vì vậy, Diễn đàn năm nay những ý nghĩa nổi bật sau:
Một là, Diễn đàn tiếp tục đóng vai trò là một kênh truyền thông chính sách pháp luật có sức lan tỏa sâu rộng toàn diện trong xã hội. Thực tế thì hình thức diễn đàn, đối thoại cũng đã được tổ chức theo từng bộ ngành, địa phương cụ thể, nhưng những vấn đề lớn cốt lõi của pháp luật thường mang tính đa ngành, đòi hỏi phải được nhìn nhận trao đổi từ nhiều phía. Diễn đàn năm nay với sự tham gia của nhiều bộ ngành, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực kinh tế, pháp luật và đông đảo DN đã đáp ứng được đòi hỏi đó.
Hai là, Diễn đàn ngày càng chứng tỏ vai trò hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng DN thông qua việc tiếp nhận và trao đổi xung quanh các khía cạnh về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật mà DN nêu ra. Diễn đàn không phải là một nơi để tư vấn trực tiếp cho DN, hay giải quyết một vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, qua sự trao đổi tại Diễn đàn, thì cả phía cơ quan quản lý và DN đều cùng nhìn nhận và chia sẻ bối cảnh, nguyên nhân, hệ quả của những vướng mắc pháp lý trong môi trường kinh doanh để từ đó tạo thêm động lực để đồng tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh.
Như chủ đề của Diễn đàn năm nay, Diễn đàn nhằm xác định và đưa ra những khuyến nghị chính sách để tháo gỡ những khó khăn pháp lý trong hoạt động của DN. Đối với từng DN cụ thể thì những vấn đề pháp lý gặp phải là khác nhau. Tuy nhiên, có 2 vướng mắc pháp lý mà đa số DN gặp phải là thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai và những rủi ro về thuế GTGT và thuế TNDN. Do đó, nhận diện và có hướng giải quyết 2 nhóm vướng mắc này là mục đích chính của Diễn đàn năm nay. Riêng đối với vấn đề về thuế thì chúng tôi hy vọng Diễn đàn sẽ làm rõ phạm vi trách nhiệm của cơ quan thuế và của người nộp thuế trong việc xác định các điều kiện hoàn thuế GTGT đầu vào đối với việc xuất khẩu và dự án đầu tư, cũng như các điều kiện để chi phí được trừ trong thuế TNDN.
* Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế Việt Luật: Đảm bảo được mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế Việt Luật. |
Chúng tôi đã có nhiều năm thực hiện dịch vụ thuế cho các DN, từ DN trong nước đến DN đầu tư nước ngoài và các hộ kinh doanh. Trong quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, từ các vấn đề quyết toán thuế cho cá nhân đến DN. Đơn giản nhất là hiện nay, những người kinh doanh online muốn thực hiện nghĩa vụ thuế cũng khó khăn do các quy định còn bất cập.
Do đó, tôi mong muốn Diễn đàn sẽ tập hợp được các ý kiến trực tiếp từ các DN, hiệp hội để góp ý với các sở ban ngành, sau đó góp ý với cơ quan lập pháp về việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế nói riêng, về các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung. Tôi hy vọng các ý kiến góp ý sửa đổi sẽ đảm bảo được các mục tiêu như đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện cao nhất cho người nộp thuế, nhất là trong các thủ tục hoàn thuế, khấu trừ, xử lý chậm nộp; Tăng cường cơ chế hậu kiểm, phòng ngừa gian lận, trốn thuế bảo đảm chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước nhưng cũng phải đảm bảo không gây phiền hà, nhũng nhiễu và mất thời gian của DN.
* Ông Nguyễn Ngọc Hải, Công ty Luật TNHH Tuệ Thành: Diễn đàn giúp cơ quan chức năng hoàn thiện hơn các quy định pháp luật liên quan
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Công ty Luật TNHH Tuệ Thành. |
Đối với mỗi một dự án (của DN trong hay ngoài nước) thì việc hoàn thành các thủ tục pháp lý để có thể được thuê đất/giao đất là một vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như liên quan đến phương pháp giao đất và tính tiền sử dụng đất với nhà đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư gặp vướng mắc khi được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng theo từng đợt (không theo tiến độ sử dụng đất).
Hay một ví dụ khác là Luật Đất đai (2013) chỉ cho phép thay đổi từ trả tiền thuê đất hàng năm sang trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên đến Luật Đất đai 2024 thì doanh nghiệp đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được lựa chọn chuyển sang thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm (khoản 2, Điều 30, Luật Đất đai năm 2024). Việc có quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất cũng sẽ làm giảm áp lực tài chính đối với nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có thêm các phương án tài chính để thực hiện dự án…
Để Luật Đất đai năm 2024 và các luật mới như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đi vào cuộc sống và phát huy được các “điểm mới” thì các Bộ, ngành cần sớm xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thống nhất, đồng bộ giữa 3 Luật nêu trên cùng với các luật liên quan khác. Điều này rất quan trọng, nhằm khắc phục các điểm chồng chéo, vướng mắc, tồn tại trước đây cũng như đảm bảo hiệu lực thực thi của các Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, phải nhanh chóng hoàn thiện và triển khai công tác xây dựng, ban hành bảng giá đất ở từng địa phương, tránh tình trạng có sự chênh lệnh giá đất khu vực giáp ranh giữa các địa phương hoặc giữa các khu vực trong cùng một địa phương.
Vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn lần này có rất nhiều ý nghĩa, bởi đây là cơ hội ghi nhận ý kiến, tiếng nói của người dân và DN đối với các quy định của Luật Đất đai 2024 cũng như các luật khác có liên quan. Những ý kiến này sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý hành chính nhà nước nắm rõ hơn hiệu quả mang lại từ các quy định mới; những điểm còn tồn tại cần thay đổi…
Ngoài ra, Diễn đàn còn là nơi để DN, người dân những người đang chịu tác động trực tiếp từ các Luật này và các nhà nghiên cứu, chuyên gia… có cơ hội chia sẻ, trao đổi, từ đó có thể đưa ra được các ý kiến vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn gửi đến các cơ quan chức năng. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý hành chính nhà nước (cụ thể các cán bộ) đang trực tiếp phải quản lý, giải quyết các công việc liên quan đưa ra các ý kiến dựa trên thực tế vướng mắc tại địa phương, địa bàn mình quản lý.
Với việc có một Diễn đàn có quy mô như thế này chắc chắn sẽ có thể ghi nhận và tổng kết được nhiều nội dung, kinh nghiệm, biện pháp… giúp cơ quan chức năng có thêm cơ sở, căn cứ để hoàn thiện hơn các quy định pháp luật liên quan (nhất là hệ thống các văn bản hướng dẫn), đồng thời tạo sự thống nhất trong việc áp dụng các quy định mới có liên quan.