Doanh nghiệp ngành Dệt may chủ động thích nghi trong trạng thái bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Người đứng đầu Tập đoàn dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần lường trước mọi tình huống trong bối cảnh dịch bệnh khó lường và xác định sẽ làm việc trong trạng thái bình thường mới hết năm 2022.
Doanh nghiệp dệt may xác định tình trạng “bình thường mới” sẽ còn kéo dài.
Doanh nghiệp dệt may xác định tình trạng “bình thường mới” sẽ còn kéo dài.

Một năm nhiều thử thách

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có 6 tháng đầu năm 2021 hoạt động rất hiệu quả với lợi nhuận đạt khoảng 90% kế hoạch năm, vượt mức lợi nhuận của năm 2019 (thời điểm chưa xuất hiện COVID-19) nhưng Vinatex cũng đã gặp bộn bề khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4 này.

Phó Tổng Giám đốc Vinatex Phạm Nguyên Hạnh cho biết, hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh đã có những diễn biến bất lợi tăng nhanh, lao động tại một số doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn tại phía Nam đã phải tạm thời ngừng việc.

“Chúng ta buộc phải làm quen với thực tế trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, sẽ phải lường trước mọi tình huống như giãn cách, cách ly để phòng chống dịch. DN đều đã thực hiện các biện pháp sản xuất đảm bảo an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Và chúng tôi xác định sẽ làm việc trong trạng thái bình thường mới hết năm 2022”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex nói.

Do đó, theo ông Trường, xu thế làm việc online (trực tuyến) sẽ tiếp tục gia tăng, thậm chí ngay cả khi hết dịch thì không phải 100% các công việc offline trước đây sẽ quay trở lại mà sẽ có một tỷ lệ nhất định quyết định chuyển sang làm online. Tuy nhiên, đã xuất hiện những bất cập khi làm việc từ xa như năng suất và hiệu quả công việc chỉ đạt 70-80% bình thường, có những việc không chạy hay cơ sở dữ liệu công việc trên mạng còn thiếu, không đảm bảo tài liệu cho hoạt động từ xa…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường

Trả lương lao động theo giờ?

Người đứng đầu ngành Dệt may đánh giá, khái niệm năng suất bình quân đã bị lỗi thời trong giai đoạn bình thường mới bởi tình hình mới sẽ cho sản xuất ở trạng thái sản lượng đầu ra không đều, không đo lường được năng suất theo tháng.

Thời điểm giãn cách chắc chắn sản lượng suy giảm, vì thế con đường duy nhất duy trì tăng trưởng là thời gian không giãn cách phải có sản lượng cao hơn để bù lại. Cách tổ chức sản xuất này chắc chắn sẽ rất áp lực, thậm chí chi phí cao nhưng nhiều khi kinh doanh dưới giá thành vẫn tốt hơn là đóng máy.

Bên cạnh đó, khi sản xuất không đều sẽ đặt hệ thống tài chính vào chu kỳ rất ngắn trong xử lý vòng quay. Cụ thể, sẽ xuất hiện nhu cầu vốn lưu động tăng vọt khi sản xuất vượt công suất đỉnh, đồng thời xuất hiện thiếu hụt dòng tiền ở các giai đoạn đứt quãng sản xuất vì dịch bệnh.

Ngoài ra, kế hoạch thị trường sẽ luôn ở trạng thái bị động vào năng lực sản xuất (có thể lên xuống bất ngờ vì rủi ro ngoại vi dịch bệnh). Vì thế, lãnh đạo Vinatex, cách tiếp cận hợp lý lúc này có lẽ là không đàm phán đơn hàng quá xa; Chấp nhận khó khăn về lập kế hoạch sản xuất, đổi lại có thể thực hiện được tốt hơn cam kết giao hàng với khách hàng.

Trong bối cảnh như hiện nay, Chủ tịch Vinatex cho rằng, nên tiếp cận suy nghĩ “tiền lương theo giờ, thu nhập theo năm”; giãn hoặc ngừng việc trả theo lương tối thiểu, tháng cao điểm làm nhiều hơn thu nhập cao hơn. Nhân lực sẽ là khâu có áp lực lớn nhất vì kế hoạch sản xuất không ổn định, do đó, thuyết phục lao động theo hệ thống mới sẽ là yếu tố quan trọng cho đảm bảo nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên và khó dự báo sớm.

Chưa kể đến việc logistic toàn cầu tiếp tục mất cân đối, đơn giá vận tải tăng, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn tới thời gian giao hàng và chi phí đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, đơn hàng xu thế bị nhỏ đi, thời gian giao hàng lại cần nhanh hơn, mọi yếu tố về sản xuất, giao hàng có nhiều bất định, dễ bị thay đổi nên DN dệt may cần phải thay đổi để thích ứng và sống chung lâu dài với trạng thái “bình thường mới” để có thể chủ động trong kinh doanh, sản xuất.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm