Doanh nghiệp nông nghiệp lo “hụt hơi”!

(PLO) - Hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã được gửi tới vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp tại diễn đàn Đối thoại với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội. 
Xuất khẩu rau quả đang ngày càng có vị trí quan trọng nhưng DN thì vẫn lo sự bấp bênh của các vùng nguyên liệu. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp đang phải “chạy” theo chính sách

Nói về chính sách đầu tư vào nông nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chỉ ra điểm yếu của chính sách nông nghiệp hiện nay là chưa có một bộ chính sách cụ thể dẫn đầu cho từng ngành hàng. Bà Hương cho rằng, ít nhất đối với ngành sữa thì cũng nên ban hành một bộ chính sách riêng, trong bộ chính sách ấy sẽ bao gồm cả chính sách đất đai, thuế, khoa học công nghệ. 

Bà Hương dẫn chứng việc đầu tư tại Nga của Tập đoàn TH là rất thuận lợi so với điều kiện trong nước. “Khi chúng tôi sang đầu tư ở đây, gần như không phải tìm đất đai, quy chuẩn hay các lĩnh vực khác mà tự họ sẽ mang đất đai, bộ chính sách tới cho DN. Tôi thấy ở ta, các Bộ trưởng rất tốt nhưng điểm nghẽn là ở các cục, vụ” – bà Hương nhấn mạnh.

Người đứng đầu Tập đoàn TH cũng than phiền rằng, trong khi chúng ta chưa có những bộ chính sách riêng cho các ngành hàng thì một vấn đề quan trọng đó là sự thiếu liên kết giữa các bộ, ban ngành còn rời rạc. Bà đơn cử như sự liên kết giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương trong việc quản lý phân bón, liên kết giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Y tế trong quy chuẩn sữa tươi, giữa Bộ KH&CN với Bộ NN&PTNT… Theo bà Hương, sự thiếu liên kết này đang vô hình trung đẩy DN vào thế khó, “chạy” theo chính sách, phục vụ chính sách chứ không phải chính sách phục vụ DN. 

Tại buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Công ty Đồng Giao nói, ông cảm thấy lo lắng vì sự bấp bênh của các vùng nguyên liệu khi phải cạnh tranh đất đai với công nghiệp. Ông Khuê phân tích, để quy hoạch được một vùng sản xuất rau quả, DN mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng nếu có một dự án công nghiệp chen vào thì đất đó rất dễ bị lấy lại để ưu tiên cho xây khu công nghiệp, nhà máy.  

“Một chiếc điện thoại bán được 10 đồng thì Việt Nam chỉ được hưởng lợi 2 đồng, còn 10 đồng xuất khẩu rau quả chúng tôi đem về cho người nông dân 7 - 8 đồng. Có điều nếu phải cạnh tranh đất đai với một dự án công nghiệp thì chúng tôi thua”- ông Khuê ngán ngẩm.

Đáng chú ý, tính đến năm 2015 mới chỉ có 3.640 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số DN trên cả nước. Tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ chiếm tới 55%. 

Thanh, kiểm tra làm “chóng mặt” doanh nghiệp

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT TCty Giống cây trồng Thái Bình cũng kêu ca hàng loạt khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DN nông nghiệp. Ông Báo cho hay, trong khi DN đầu tư vào nông nghiệp đã chịu rủi ro lớn, lợi nhuận ít nhưng chính sách về thuế thu nhập DN lại giống nhau, bằng với các “ông” siêu lợi nhuận. Về cải cách hành chính, theo ông Báo, nếu các DN đầu tư dự án nhỏ, từ một đến vài tỷ thì thủ tục cũng khiến nhiều DN hụt hơi. 

“Một DN hoạt động trong lĩnh vực này phải tiếp đủ các loại thanh tra. Hôm nay thanh tra thuế, hôm sau đất, hôm sau nữa bảo hiểm, quản lý chất lượng… thủ tục chồng chéo, khiến DN chóng mặt” – ông Báo than phiền.

Bà Ba Huân, TGĐ Công ty TNHH Ba Huân cho hay bà vẫn còn nhiều trăn trở khi ngành chăn nuôi của Việt Nam đến nay chủ yếu xuất hiện nhiều tên tuổi của tập đoàn lớn, nếu như vậy rõ ràng người nông dân Việt Nam chỉ là làm gia công cho họ. Vì vậy, bà mong Bộ NN&PTNT cần phải có chính sách nào đó để hỗ trợ nông dân đưa đời sống của họ lên cao.

Một khảo sát mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cũng cho thấy, hiện các DN nông nghiệp than phiền nhiều nhất là cơ hội tiếp cận đất đai, vốn và khoa học công nghệ. Cụ thể, 63,5% DN gặp khó khi thuê đất và 46% đặc biệt khó khi muốn thuê đất với diện tích lớn. 70% công ty được hỏi cho biết khó tiếp cận tín dụng và 49% kêu vô cùng khó. Trong khi tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước với nông nghiệp hiện cũng chỉ ở mức 7%, trong khi mức này của Trung Quốc là 20% còn Nhật Bản, Hàn Quốc trên 50%.

Tại buổi đối thoại với các DN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận những khó khăn của DN nông nghiệp hiện nay có nguyên nhân lớn từ những rào cản của cơ chế, chính sách và nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện. Ông Cường cho rằng chính sách nhiều mà vẫn ít người đầu tư vào nông nghiệp thì chứng tỏ vẫn tắc. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói tại buổi đối thoại này ông thu lượm được rất nhiều từ phản ánh vướng mắc của DN và hướng tới những gợi mở để giải quyết nó. “Tư lệnh” ngành nông nghiệp cũng đưa ra rất nhiều cam kết về hỗ trợ DN như: trong tháng 12 ngành nông nghiệp sẽ làm việc với Bộ KH-CN về các chính sách giúp DN tiếp cận khoa học, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghệ chế biến; mời đích danh một số DN khó khăn trong tiếp cận vốn làm việc với hệ thống ngân hàng… Hay ông sẽ làm việc với Công sứ Nhật Bản để bàn về mở cửa thị trường một số mặt hàng, trong đó có trứng gia cầm. 

Đọc thêm