Tờ Financial Times dẫn dữ liệu từ các văn phòng thống kê quốc gia cho biết, làn sóng phá sản doanh nghiệp trên thế giới đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua. Tính đến tháng 9/2023, tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở Mỹ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ở Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu, con số này là 25%. Từ tháng 6 trở đi, số vụ vỡ nợ liên tục tăng với tốc độ hai con số so với cùng kỳ 2022, văn phòng thống kê quốc gia Đức Destatis cho biết.
Trong Liên minh châu Âu (EU) nói chung, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất 8 năm, theo cơ quan thống kê Eurostat.
Trong tháng 10, Pháp, Hà Lan và Nhật Bản cũng ghi nhận số vụ phá sản tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các quốc gia phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây đã báo cáo, ở một số quốc gia thành viên, bao gồm các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, tỷ lệ phá sản đã vượt quá mốc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, chỉ ra rằng lãi suất cao hơn, cùng với sự sụp đổ của các công ty “thây ma” sống sót nhờ sự hỗ trợ của chính phủ thời COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng phá sản trong giai đoạn hậu dịch.
Các nhà phân tích nhận định, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tỷ lệ vỡ nợ gia tăng bao gồm vận tải và khách sạn.
Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s dự báo, tốc độ vỡ nợ trái phiếu cấp độ đầu cơ trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024 sau khi tăng 4,5% trong 12 tháng tính đến tháng 10, cao hơn mức trung bình lịch sử là 4,1%.