Doanh nghiệp phải tính thế cờ để thắng trên “sân nhà”

(PLO) - Với  số lượng 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang tham gia, Việt Nam hiện  là quốc gia đứng đầu ASEAN về cam kết hội nhập. Song làm thế nào để tận dụng những cơ hội mà các FTA mang lại, đã đến lúc “cuộc chơi” phải tính được các thế cờ…
Doanh nghiệp phải tính thế cờ để thắng trên “sân nhà”
Dấu ấn 2015
Năm 2015 khép lại với một loạt tin vui về hội nhập. Chỉ trong tháng 5, hai FTA đã được ký kết sau nhiều năm đàm phán: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU). Niềm vui vỡ òa vào ngày 5/10, khi 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt - Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng vừa kết thúc đàm phán  vào tháng cuối cùng của năm. Tiến trình hội nhập của Việt Nam lại ghi thêm một dấu ấn mới khi Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015.
Với triển vọng triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của các FTA ở khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, 15 nước G20, đóng góp trên 80% GDP toàn cầu…
Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2015 (VDPF 2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  cũng vui mừng thông báo với các đối tác, các nhà tài trợ về sự chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký chính thức các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện, cân bằng  lợi ích như TPP, EVFTA... Đây sẽ là các yếu tố tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới với những cơ hội và thách thức đan xen...” - Thủ tướng nhấn mạnh.
“Sân chơi” mới
Nếu như với việc tham gia AEC chỉ là tiến trình hội nhập, dù tự do hàng hóa và dịch vụ, cắt giảm thuế quan trong cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay thì TPP được coi là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hiệp định của thế kỷ XXI, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đầy tham vọng, một Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Trong “sân chơi” mới này Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong các thành viên TPP và cũng được cho là nước có thể được hưởng nhiều lợi ích nhất do TPP mang lại. Cơ hội và lợi ích đầu tiên có thể kể đến là xuất khẩu của Việt 
Nam sang các nước thành viên TPP, đặc biệt Hoa Kỳ và Nhật, sẽ tăng mạnh do thuế nhập khẩu vào các nước đó giảm về 0 (hiện nay thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ là 17,5%), đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh, như dệt may, giày da, thủy sản, đồ gỗ… 
Tiếp đến là dòng vốn FDI được dự báo sẽ tăng nhanh để đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng trưởng GDP được dự báo sẽ tăng lên 11% và xuất khẩu tăng 28% vào năm 2025. 
Cùng với đó là cơ hội và áp lực đẩy mạnh cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường; tạo công ăn việc làm (dự kiến chỉ riêng ngành dệt may sẽ tạo ra hơn 6 triệu việc làm đến năm 2025); hàng hóa phong phú, giá rẻ, chất lượng cao hơn; cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…
Tuy nhiên, một loạt thách thức cũng được đặt ra như cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch theo yêu cầu của Hiệp định, phát triển cơ sở hạ tầng; đáp ứng các yêu cầu cao liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lập hội và bảo vệ người lao động theo tiêu chuẩn quốc tế; cơ chế quản lý và năng lực quản trị đối với các doanh nghiệp nhà nước, năng lực cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ… 
Cùng với đó, thu ngân sách cũng được dự báo gặp khó khăn. Một số ngành hàng và hàng loạt doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn thậm chí bị phá sản do áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, đặc biệt trong nông nghiệp, chăn nuôi. Một số ngành hưởng lợi như dệt may và giày da. Đây là thách thức rất lớn về vốn, công nghệ và quản lý nhà nước do phải đầu tư rất lớn để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên, phụ liệu (hiện đang phải nhập khẩu từ 70-80%) từ trong nước. 
Tận dụng cơ hội “trời cho”
Nếu như năm 2015 được xem là năm bản lề trong việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế thì thời gian 5 đến 10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với công cuộc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa vị thế đất nước. Đây cũng là thời điểm chúng ta đảm nhận nhiều trọng trách và hoàn tất nhiều cam kết quốc tế. 
Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chưa bao giờ Việt Nam đứng trước vận hội lớn như vậy. Với việc tham gia vào AEC từ 1/1/2016 và với việc ký kết TPP, EVFTA tới đây, Việt Nam không chỉ có cơ hội mở rộng không gian thị trường 600 triệu dân với GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020 mà Việt Nam còn là điểm kết nối giữa AEC với các nước EU và các nước tham gia TPP, điều mà rất ít nước trong khối ASEAN có được.
Tuy nhiên, cơ hội có hiện thực hóa được hay không hay việc tham gia AEC, kỳ TPP, EVFTA cũng chỉ mang giá trị như những cột mốc lịch sử trong chặng đường hội nhập của đất nước?
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), với các FTA Việt Nam đã tham gia, nhất là với TPP, “cánh cửa” thị trường đã mở ra hết và cũng không mở thêm được nữa. Nếu không tận dụng, 5-7 năm nữa Thái Lan, Philippines cũng có thể vào ASEAN, vài năm nữa EU đàm phán với ASEAN, khi đó Việt Nam sẽ mất đi nhiều lợi thế.  
Theo ông, đây là cơ hội “trời cho”, là cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, đã đến lúc chúng ta phải “chơi cờ” với cấp độ cao hơn, thay vì loay hoay với cách nhìn của con cờ xem đi như thế nào thì phải tính được thế cờ thì mới thắng được…

Đọc thêm