“Luật chơi” cân bằng nhưng “Người chơi” không cân sức
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là một hiệp định thương mại thế hệ mới. Các điều khoản của Hiệp định không chỉ bó buộc lại trong các vấn đề thương mại hàng hóa mà còn tham vọng hơn, nhằm viết lại luật chơi thương mại toàn cầu bằng tự do hóa thương mại dịch vụ và dịch vụ tài chính, thúc đẩy luân chuyển dòng vốn và lao động. Lĩnh vực đầu tư được đưa vào trong một chương của Hiệp định với những điều khoản về đối xử giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nội địa.
Sau khi TPP được thực thi, các DN có vốn FDI về cơ bản sẽ được hoạt động và đối xử tương tự DN nội địa. Với một nước vẫn đang còn có những lợi thế về nhân công dồi dào, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là đích đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khối các nước TPP.
Chỉ 2% DN có quy mô lớn và cũng khoảng từng đó DN có quy mô vừa, với 95- 96% DN nhỏ và siêu nhỏ (nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể thì tỷ lệ này chiếm tới trên 99,9%), đây được xem là điểm yếu của các DN Việt Nam khi bước vào “sân chơi” toàn cầu. Tuy chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu DN Việt Nam vế số lượng, chỉ khoảng 3% và có xu hướng giảm đi khi số lượng các DN ngoài nhà nước ngày càng bùng nổ, nhưng đóng góp của DN FDI rất lớn và có chiều hướng đang tăng nhanh xét vế vốn và lao động. Tỷ trọng lao động từ 23% trong giai đoạn 2007- 2011 đã tăng lên 28,64% trong năm 2014, tỷ trọng vốn tăng từ 17,8% năm 2007 lên 24,6% năm 2014.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, về nguồn lực, nguồn vốn tư bản trung bình của một DN FDI đạt trên 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vốn trung bình của toàn bộ DN tại Việt Nam đạt xấp xỉ 50 tỷ đồng, còn DN tư nhân chỉ đạt 11,9 tỷ đồng.
Tương tự, tài sản cố định và vốn đầu tư dài hạn của khối DN FDI cao gấp hơn 30 lần so với khối DN tư nhân, đạt 138,8 tỷ đồng/DN năm 2013. Trong khi tài sản cố định trung bình toàn bộ DN chỉ đạt xấp xỉ trên 20 tỷ đồng. Trên khía cạnh hoạt động, doanh thu thuần của các DN FDI cũng đạt mức cao hơn nhiều so với DN nội địa, trong đó có khu vực DN tư nhân. Điều này cho thấy các DN FDI đang có lợi thế rất lớn về quy mô so với DN tư nhân trong nước, không chỉ về vốn đầu tư mà còn cả trên khía cạnh hoạt động.
Liên kết để tạo sức mạnh
Nhỏ bé về tiềm lực, năng suất lao động thấp, tính liên kết và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp, và đặc biệt nhận thức về các cam kết kinh tế, thương mại mới đang là những điểm yếu của các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong “cuộc chơi” hội nhập này, DN Việt Nam đã, đang có những điểm mạnh và có thể phát huy được trong tương lai. Đó là khả năng bứt phá và khả năng hội nhập nhanh của cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có nhiều DN đã có những bước đi toàn diện bằng việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, bên cạnh đó là nền tảng văn hóa mà các DN FDI không có được.
Vấn đề là làm sao khắc phục được những hạn chế và phát huy đươc thế mạnh của mình?
“Theo các cuộc khảo sát DN gần đây của VCCI và một số tổ chức khác cho thấy có vẻ như các DN Việt Nam đang rất lạc quan với triển vọng các FTA mang lại nhưng hầu như chưa nhìn thấy mặt trái của nó…” - Tổng Thư ký VCCI lo ngại. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin từ phía DN, đặc biệt thông tin cụ thể trong từng lĩnh vực.
“Chưa bao giờ cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng lại cần phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng như lúc này, để có thể gia tăng về giá trị và năng lực, đồng thời gia tăng về số lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN và rộng hơn là thị trường thế giới. Tiếp theo, cần đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam và tham gia vào các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng trong khu vực.
Đây chắc chắn sẽ là những việc cần phải được ưu tiên thực hiện nếu chúng ta muốn cạnh tranh ngang ngửa với các DN ASEAN, và tạo sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã bắt đầu chính thức có hình hài và chắc chắn sẽ phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của DN và nền kinh tế Việt Nam” – Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh.