Doanh nghiệp “sợ” bình ổn giá?

Trong khi phần đa các doanh nghiệp hào hứng tham gia Chương trình Bình ổn giá,  thì vẫn  có một số doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn, nói rằng “sợ” chương trình này.

Trong khi phần đa các doanh nghiệp hào hứng tham gia Chương trình Bình ổn giá,  thì vẫn  có một số doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn, nói rằng “sợ” chương trình này.

Sản xuất kinh doanh khó khăn, một số doanh nghiệp không mặn mà bình ổn giá. Ảnh chỉ có tính minh họa
Sản xuất kinh doanh khó khăn, một số doanh nghiệp không mặn mà bình ổn giá. Ảnh chỉ có tính minh họa

Tại hội nghị  công bố “Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp  và giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2012-2013” tổ chức mới đây, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sữa Hanoimilk nói thẳng: “Chúng tôi đã trót tham gia chương trình bình ổn giá nên đành chấp hành nốt năm nay, năm 2013, chúng tôi xin rút”.

Lý do, theo ông Tuấn, bởi lẽ doanh nghiệp (DN) không thể đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng lợi nhuận mà không tăng giá. “Có một thực tế bi hài là, trước tháng 6 năm 2011, chúng tôi tham gia chương trình bình ổn giá, không tăng giá sữa, song doanh số bán hàng chậm lắm.

Không ít người “bán tin bán nghi” thế này, sợ rẻ thì chất lượng không tốt! Vì thế, từ tháng 6 năm 2011 chúng tôi bắt đầu tăng giá, đồng thời trích phần lợi nhuận cho người bán hàng và chi thêm cho quảng cáo, kết quả là doanh số tăng vọt. Chúng tôi đã “mạnh tay” chi cho quảng cáo tới 50 tỷ đồng, nhưng chẳng thấm tháp gì so các DN ngoại sẵn sàng đổ 500-1.000 tỷ cho... quảng cáo” – người đứng đầu công ty sữa trần tình.

Cách nói của ông Tuấn, tất nhiên chỉ phản ánh một góc nhìn cá nhân và nhiều người có thể không đồng tình song không thể phủ nhận một thực tế là, các doanh nghiệp hiện tại nhìn chung cũng đang còn phải vật lộn để tự “cứu” mình, trước khi tính đến chuyện “bình ổn” cho cộng đồng.

Thực tế thì trong bối cảnh khó khăn chung vẫn có những DN trụ vững. Như ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Tổng giám đốc Cty CP Xích líp Đông Anh chia sẻ: “Trong cái khó chung, DN phải luôn đổi mới, mình tự cứu mình trước đã. Chúng tôi chỉ đơn cử việc phát động  phong trào sáng kiến đổi mới kỹ thuật, trong phạm vi công việc được giao, mỗi cán bộ có hai sáng kiến/năm; mỗi tháng tìm ra hai điểm không hợp lý  trong quy trình sản xuất,   tất cả những đóng góp này đều được ghi nhận bằng cách tăng lương, tăng thưởng.  Kết quả thu được, 10 tháng chúng tôi có 145 sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng”.

Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu vốn và sức mua giảm sút, những trường hợp DN có thể lạc quan được trong tình hình hiện nay có thể nói là chỉ là thiểu số. Tại hội nghị nói trên, một lần nữa các DN lại bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội và các sở, ban, ngành có những chính sách cụ thể hơn giúp DN tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tạo cơ chế thuận lợi cho DN tiếp cận vốn; xem xét giảm thuế đất, ổn định về thuế đất; hỗ trợ  kích cầu, xúc tiến thương mại để giải phóng hàng tồn kho, tiêu thụ nhanh sản phẩm…  

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, 10 tháng qua, thành phố đã có những biện pháp thiết thực hỗ trợ DN. Mới đây nhất, ngày 3/10/2012 UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 4406 về việc mở rộng đối tượng được hưởng lãi suất sau đầu tư cho DN. Theo đó, đợt này, một số DN đang chuẩn bị hồ sơ tham gia như: Cty ô tô Xuân Kiên – Vinaxuki, Cty Nhựa Hà Nội, Cty Nhựa Trần Phú, Cty May 10, Cty CP Quốc tế Sơn Hà, Cty Xích Líp Đông Anh, Cty Kim khí Thăng Long...

“Chỉ cần các DN có phương án khả thi, sẽ được hỗ trợ tích cực và quyết liệt nhất. Các DN khó gì (vốn, mặt bằng, lãi suất, thông tin, tìm đối tác, bạn hàng ...) liên hệ với Sở Công Thương, đặc biệt, có thể liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Sở Công thương, kể cả gọi điện hoặc nhắn tin cho Giám đốc Sở; nếu trong quyền hạn thì Sở sẽ giải quyết ngay; nếu không thuộc thẩm quyền, thì Sở sẽ cùng DN kiến nghị UBND thành phố và các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn cho DN”  - ông Thăng quả quyết.

Nhưng những kiến nghị nói trên đều đã được cộng đồng DN, không chỉ riêng Hà Nội, đề cập nhiều lần, được dịp thì “kêu” chứ chính những người “kêu” cũng thừa hiểu, dẫu có được “hứa chắc” thì nhiều vấn đề khó có thể giải quyết được ngay một lúc.

Mai Hoa

Đọc thêm